Gian nan thu nợ đọng thuế (kỳ cuối)
Kỳ cuối: Nhiều hệ lụy
Trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, tình hình vi phạm về thuế ngày càng phức tạp, phát sinh nhiều hình thức, thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt, bất chấp pháp luật đã kéo theo nhiều hệ lụy…
Nguy cơ thất thu thấy rõ
Theo đánh giá của Cục Thuế, nguyên nhân khách quan khiến nợ thuế tăng cao là do chính sách đăng ký kinh doanh thông thoáng và một phần do Nhà nước trao quyền tự in, đặt in hóa đơn cho DN, đã dẫn đến tình trạng người kinh doanh thành lập DN, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gây nợ thuế lớn rồi bỏ kinh doanh hoặc thay tên đổi chủ nhằm chiếm đoạt tiền thuế; DN ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật nên cơ quan thuế chưa thu và xử lý được... Tuy nhiên, như đã đề cập khá rõ ở bài báo trước là các chủ DN đang làm mọi cách kể cả bất chấp pháp luật để trốn thuế, chẳng hạn, cả 4 công ty do các thành viên của gia đình bà Nguyễn Thị Vân làm giám đốc đều có biểu hiện nợ thuế và chiếm dụng số tiền thuế khá lâu (nợ đọng tiền thuế lớn rồi thay tên, đổi chủ, tạm dừng kinh doanh); Công ty TNHH viễn thông Lê Hùng và Công ty TNHH MTV viễn thông Hoàng Lê Hùng, nay lại xuất hiện thêm Công ty TNHH viễn thông Hoàng Hà tại địa chỉ 8-10 Lê Thánh Tôn (TP. Buôn Ma Thuột) do em trai bà Hoàng Thị Hường là Hoàng Hải Hậu đứng tên… đã bất chấp việc cơ quan thuế có công văn phối hợp thu nợ, cưỡng chế, phạt thuế nhưng các công ty trên đều không chấp hành...
Cửa hàng bán điện thoại của Công ty TNHH MTV Hoàng Hà vẫn mang tên Lê Hùng. |
Theo thống kê của ngành thuế, với những tồn đọng nợ thuế do tình trạng “DN ma” diễn ra trong năm 2013 cùng với những “chiêu” né thuế gần đây đã đẩy tổng số nợ thuế trên địa bàn tỉnh lên đến 658,146 tỷ đồng, trong đó, nợ khó thu là 306,748 tỷ đồng. Số nợ khó thu (thậm chí là không thể thu hồi được) này phát sinh chủ yếu từ những kiểu “lách luật” của các DN. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Bùi Văn Chuẩn, bên cạnh việc thất thu thuế do không thể tìm ra người chịu trách nhiệm, những DN làm ăn chân chính đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận tiền hoàn thuế cũng như phải chịu áp lực nhiều hơn do quy trình kê khai thuế được áp dụng chặt chẽ.
Cần quyết liệt hơn
Có thể khẳng định, tình trạng “giả chết” hay “chuyển vốn” để trốn thuế không phải là vấn đề mới mà diễn ra dai dẳng từ nhiều năm nay, nhưng biện pháp xử lý không dứt khoát, cùng với kẽ hở từ sự thông thoáng của cơ chế đã “tiếp tay” cho nhiều chủ DN “làm liều”. Trước những vi phạm của DN kể trên, ngay từ ngày 10-10-2013, Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột đã chuyển danh sách một loạt DN có dấu hiệu chiếm đoạt tiền thuế sang cơ quan pháp luật để phối hợp xử lý, nhưng đến nay đề xuất này vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể, việc Công ty TNHH Hoàng Nguyên chiếm dụng thuế đã được Chi cục lập hồ sơ đầy đủ, chuyển sang cơ quan công an, cùng với đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng đã chỉ đạo Công an thành phố chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế và các cơ quan liên quan điều tra, xác minh, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết được. Hay như nhiều trường hợp một người đứng tên nhiều DN, thay đổi tên DN, thay đổi tên chủ sở hữu DN để trốn thuế… đã có hồ sơ chứng cứ chứng minh sai phạm rất rõ ràng, nhưng cơ quan công an vẫn chưa vào cuộc (?!). Theo ông Bùi Văn Chuẩn, với những DN dạng trên, ngành thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết theo đúng chức năng của mình, nhưng một vấn đề hết sức quan trọng đó là sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, nhất là cơ quan công an chưa thật sự quyết liệt, nên kết quả thu hồi nợ thuế đạt thấp. Trong những cuộc họp với các ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, ngành thuế đều nêu quan điểm: thuế GTGT là thuế gián thu, do khách hàng trả để chủ DN thay mặt nộp lại cho Nhà nước, vì vậy hành vi chiếm dụng khoản thuế này cần phải điều tra, xử lý hình sự chứ không thể xem nhẹ là chiếm dụng. Về việc nhiều DN còn nợ thuế vẫn thành lập công ty kinh doanh bình thường, ông Bùi Văn Chuẩn cho rằng, các DN dễ dàng trốn tránh việc nộp thuế là do thủ tục đăng ký mở công ty, DN quá dễ dàng, trong khi công tác "hậu kiểm" sau khi cấp đăng ký kinh doanh chưa được thực hiện. Do vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác kiểm tra thực tế sau cấp phép; đối với các DN thành lập mới, Sở Kế hoạch - Đầu tư cần thông tin để ngành thuế kiểm tra chủ DN này có đang nợ thuế hay không mới cấp phép.
Có thể nói, trong điều kiện kinh tế như hiện nay, phải thừa nhận thu ngân sách đang là vấn đề khó. Thế nhưng cũng cần có những biện pháp mạnh tay, thậm chí là có thể phải đưa một số vụ việc điển hình ra trước pháp luật để chấn chỉnh tình trạng “nhờn luật”. Còn nhớ, thời điểm đầu năm 2013, khi tình trạng “DN ma” xuất hiện và tổ chức mua, bán hóa đơn trong lĩnh vực nông sản được các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt đã góp phần chặn đứng các vi phạm này. Đây có thể xem là bài học để xử lý tình trạng nợ thuế trong thời gian tới.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc