Hoạt động du lịch phải gắn kết với lợi ích của người dân
Phát triển bền vững dựa trên mối liên kết, hợp tác với người dân trong vùng là hướng đi được ngành Du lịch chọn lựa hiện nay. Với Buôn Ma Thuột nói riêng và Dak Lak nói chung, hướng đi này đang ở tầm mức nào được TS. TRƯƠNG SỸ VINH (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam) chia sẻ với PV Báo Dak Lak, nhân dịp ông vào tham dự Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Buôn Ma Thuột” được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua.
°Thưa ông, với tư cách là du khách, ông đánh giá như thế nào khi đến Buôn Ma Thuột?
Thú thật, tôi không hài lòng lắm! Ngoài hệ thống giao thông đi đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn Buôn Ma Thuột còn rất xấu, thì chất lượng dịch vụ ở đây - từ cơ sở lưu trú cho đến các khu, điểm du lịch chưa thật sự làm cho du khách thỏa mãn. Trước khi diễn ra hội thảo, tôi được đưa đi tham quan, tìm hiểu một số nơi như Khu du lịch hồ Ea Kao, Ea Tam, Khu sinh thái phường Thành Nhất… Ở đó tôi thấy môi trường, cảnh quan rất đẹp, nhưng bắt đầu có dấu hiệu bị xâm hại, phá vỡ. Đáng lưu tâm hơn là các sản phẩm lưu niệm được bày bán ở đó chẳng có gì độc đáo, đặc sắc cả. Nhất là các sản phẩm được làm nên từ vốn văn hóa các dân tộc bản địa, tuyệt nhiên không thấy. Phải nói rằng đây là lợi thế cạnh tranh, sao các bạn không khai thác, quảng bá nhằm phục vụ du khách, để vừa nâng cao doanh thu cho doanh nghiệp lẫn người dân sống trong vùng du lịch, đồng thời vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa của các tộc người bản địa?
°Từ thực trạng đó, dưới cái nhìn của một chuyên gia nghiên cứu phát triển du lịch, ông quan tâm đến vấn đề nào trong từng bước đi của du lịch Dak Lak nói chung?
Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch tại chỗ. Thay đổi nhận thức của các đối tượng tham gia hoạt động phát triển du lịch và không ngừng nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư trong hoạt động của ngành kinh tế quan trọng này.
Trước hết, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch, qua đó gắn kết lợi ích của người dân với hoạt động du lịch trên địa bàn. Bởi thực tế cho thấy: không có một ngành nghề nào, đặc biệt là du lịch không thể phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững được, nếu như sự phát triển đó đe dọa đến các giá trị văn hóa của cộng đồng, hay các lợi ích kinh tế - xã hội được tạo ra từ du lịch không đến được với cộng đồng.
Thứ nữa, Dak Lak cần phải thực hiện đúng lộ trình quy hoạch du lịch đã được Bộ VH-TT-DL phối hợp với tỉnh khảo sát, xây dựng và thông qua cuối năm 2013. Trong đó chú trọng khai thác, hình thành các sản phẩm du lịch có tính đặc trưng, khác biệt so với các vùng miền khác nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị kinh tế của ngành “công nghiệp không khói” trên vùng đất giàu tiềm năng này. Đặc biệt cấp thiết nhất là nhanh chóng xây dựng trung tâm xúc tiến, quảng bá và cung cấp thông tin về du lịch cho du khách giúp họ lựa chọn, sắp xếp “quỹ thời gian” phù hợp để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm cùng một tour-tuyến, hay sản phẩm du lịch nào đó mà mình yêu thích. Đây cũng là kênh để kết nối hiệu quả nhất trong việc kêu gọi đầu tư cũng như thu hút du khách từ nơi khác đến với Dak Lak trong bối cảnh hiện nay.
°Ông có khuyến nghị gì, khi có nhiều ý kiến cho rằng làm du lịch là “chuyện riêng” của các doanh nghiệp?
Phát triển du lịch theo hướng bền vững là mục tiêu của tất cả các nước trên thế giới. Đối với Dak Lak và cả Tây Nguyên, vấn đề này lại càng quan trọng hơn, bởi đây là vùng đất có giá trị văn hóa truyền thống hết sức đặc biệt. Việc phát triển du lịch là trách nhiệm của tất cả các bên tham gia, bao gồm chính quyền địa phương, khách du lịch, doanh nghiệp và người dân. Sự thiếu trách nhiệm của bất kỳ một bên nào cũng dẫn đến phá hỏng mục tiêu phát triển bền vững. Bài học về phát triển du lịch ở nhiều nơi trong nước đã minh chứng cho vấn đề này.
°Xin cảm ơn ông!
Phương Đình-Thanh Hường (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc