Khi ngân hàng không còn là "miền đất hứa"
Trước đây, việc trở thành một nhân viên ngân hàng là đích đến của nhiều người. Thế nhưng những năm gần đây, việc thu nhập giảm, áp lực tăng, nguy cơ bị sa thải cao... đã khiến nghề ngân hàng không còn là “miền đất hứa” nữa!
Chỉ cách đây hơn 5 năm, nói đến nhân viên ngân hàng, người ta nghĩ ngay đến những người có thu nhập cao, công việc nhẹ nhàng. Thu nhập cao “chót vót” so với mặt bằng chung đã giúp họ luôn là khách “vip” tại những nơi họ có mặt. N.T.H, nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại TP. Buôn Ma Thuột luôn được bạn bè ngưỡng mộ vì thu nhập “khủng” cũng như cách tiêu tiền không tiếc tay. Thế nhưng, trong một lần gặp gỡ mới đây, H. cho biết thu nhập của anh đã giảm rất nhiều so với trước. Bên cạnh việc “siết” tiền lương của đơn vị H. đang công tác, việc có mặt nhiều ngân hàng trên địa bàn cũng làm giảm đáng kể những khoản ngoài thu nhập của anh này. Trong thời buổi hiện nay, việc phục vụ tốt để giữ khách hàng mới là điều quan trọng, còn chuyện khách hàng “bồi dưỡng” được như thế nào thì tùy họ thôi, H. chia sẻ. Hơn nữa, hiện nay, để bảo đảm tính bền vững và gắn kết của người lao động, việc trả thưởng, lương kinh doanh sẽ được phân bổ đều theo thời gian chứ không chỉ dồn vào cuối năm. Hình thức thu nhập cũng được đa dạng hóa bằng cổ phiếu, bảo hiểm… chứ không chỉ bằng tiền mặt khiến thu nhập thực tế cũng bị giảm. Không chỉ giảm đáng kể thu nhập, nhiều ngân hàng đã bắt đầu áp dụng việc trả lương theo hiệu quả lao động, do vậy, việc “chạy chỉ tiêu” kinh doanh cũng là thách thức không nhỏ đối với nhân viên ngân hàng. Áp lực chỉ tiêu đối với các ngân hàng hiện nay thực sự rất lớn. Chẳng hạn chỉ tiêu phát hành thẻ tín dụng, nếu không đủ số lượng được giao, nhân viên tại một số ngân hàng thương mại có thể bị trừ lương, giảm thưởng thậm chí… hạ mức đánh giá xếp loại thi đua cuối năm.
Nhân viên Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Dak Lak. |
Không riêng gì các ngân hàng thương mại cổ phần mà các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng áp chỉ tiêu cho cán bộ nhân viên và không loại trừ một bộ phận nào, từ huy động vốn, cho vay đến đòi nợ, thẻ… Nhiều ngân hàng còn lấy chỉ tiêu giao cho nhân viên làm tiêu chí chính để quyết định lương và có tiếp tục ký hợp đồng lao động hay không. Trong khi đó, lãi suất huy động liên tục giảm trong thời gian gần đây và hiện đã xuống rất thấp, cùng với khoản cộng cho khách hàng có mức tiền gửi lớn cũng không còn, hoặc còn rất thấp nên việc giữ chân khách hàng đối với nhân viên ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, nhiều cán bộ kinh doanh của ngân hàng thậm chí đã phải bỏ tiền túi ra để giữ khách do áp lực chỉ tiêu. “Nhân viên thà chấp nhận chi tiền túi giữ khách để đủ doanh số còn hơn thiếu doanh số mà bị cắt giảm lương, thậm chí là mất việc, anh H. nói. Thực tế là trên địa bàn tỉnh đã có ngân hàng chấm dứt hợp đồng một lúc lên đến hơn 200 nhân viên. Con số đó đã nói lên hết sự khắc nghiệt đối với nhân viên ngân hàng trong gia đoạn hiện nay(!)
Theo đại diện một ngân hàng thương mại Nhà nước, việc giảm chi tiêu, giao chỉ tiêu cho nhân viên là việc tất yếu trong bối cảnh hoạt động ngân hàng khó khăn và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Hoàn thành công việc được giao là yếu tố thể hiện năng lực rõ nhất. Vì vậy không có cách nào khác, nếu muốn tồn tại thì nhân viên ngân hàng buộc phải cố gắng hơn trước rất nhiều...
Khảo sát về “Cung cầu nhân lực ngành ngân hàng tài chính Việt Nam” của Viện Nhân lực Ngân hàng Tài Chính - BTCI, từ năm 2016, các trường đại học trong nước có khả năng cung ứng 61.000 cử nhân chuyên ngành tài chính ngân hàng, vượt 150% so với nhu cầu của ngành. Theo nhận định, trái với xu thế tuyển dụng nóng để có đủ nhân sự cho việc mở rộng mạng lưới trong 3 năm qua, các năm sắp tới, ngành ngân hàng sẽ chủ động sàng lọc nhân sự để có chất lượng nhân lực tốt hơn, cạnh tranh hơn. Dự kiến tỷ lệ sàng lọc tự nhiên sẽ ở mức khoảng 5%, tương ứng với 5% nhân sự không phù hợp tiêu chuẩn sẽ được thanh lọc.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc