Mấy suy nghĩ về vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Những yếu tố nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững có thể kể đến là việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản chế biến sản phẩm sau thu hoạch, đồng thời chuyển đổi giống cây trồng có năng suất cao, đa dạng về chủng loại và thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu riêng cho từng vùng.
Việc chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với môi trường sinh thái của từng địa phương là yếu tố quan trọng nhằm ổn định sản xuất, việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân. Không thể để cho người nông dân một mình bươn chải, chống chọi với cơn lốc thị trường mà phải có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: “Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông”.
Do đặc thù của sản xuất nông nghiệp là theo chu kỳ mùa vụ, vì thế trước hết phải dựa trên quy hoạch và kế hoạch mà xác định giống cây trồng để hình thành những vùng chuyên canh gắn với mô hình cánh đồng mẫu, làm cho người nông dân am hiểu cơ bản về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc đối với từng loại giống cây trồng mà áp dụng vào sản xuất. Đây còn là yếu tố giảm chi phí đầu vào, nâng cao dần hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Cánh đồng mẫu giống ngô lai CP501 ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar. |
Lâu nay có một tình trạng khá phổ biến là sản xuất theo “phong trào”, cách làm thì manh mún, trong khi nông dân chưa nắm vững đầy đủ kỹ thuật canh tác, dẫn đến hiệu quả không cao, cá biệt có khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, gây ra sự hoài nghi đối với những loại giống mới và điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã tác động không nhỏ đến tâm lý của người nông dân.
Để khắc phục những vấn đề trên, bên cạnh công tác thông tin khoa học, cần củng cố, mở rộng hình thức hoạt động khuyến nông từ trên xuống cơ sở, nhằm thực hiện được chức năng tư vấn kỹ thuật và phối hợp với các nhà sản xuất có uy tín, làm dịch vụ cung ứng giống cây trồng cho nông dân, tránh tình trạng người dân bị mua lầm hàng giả, hàng nhái ngoài thị trường tự do. Mặt khác trong biện pháp phòng trừ dịch hại, thường phải xử lý bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật, ở những vùng nông thôn xa xôi, số người có chuyên môn nghiệp vụ còn quá ít, có chăng cũng chỉ là những người được đào tạo ngắn ngày, khi học về không trực tiếp đứng bán mà chủ yếu giao cho những người thân trong gia đình mua bán một cách tùy tiện nên đã xảy ra không ít trường hợp bán hàng không đúng chủng loại, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân. Vì vậy cần phải tăng cường quản lý nhà nước, chấn chỉnh kịp thời và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những vi phạm về lĩnh vực này.
Song song với việc chuyển đổi giống cây trồng, cần quan tâm đúng mức đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thực hiện tốt việc “dồn điền, đổi thửa”, từng bước phá thế độc canh. Đây là những giải pháp trong hợp lý hóa sản xuất, tạo điều kiện cho ngành kinh tế này phát triển, góp phần đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo bền vững ở nông thôn.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc