Mưu sinh bằng nghề ươm cây cho rừng
Những vườn ươm cây keo ở thôn 3, xã Krông Jing góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân. |
Công việc làm ở vườn ươm cây không khó, nhưng phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Từ khâu chọn đất, làm đất, trộn phân, đóng bầu, tra hạt, giâm hom, che chắn vườn ươm... đều phải tiến hành từng bước. Người nào có tính cẩn thận, tỉ mỉ thì đều làm được, từ những người lớn tuổi đến phụ nữ, thanh niên. Do vậy các vườn ươm ở đây đã giải quyết được lượng lớn lao động thất nghiệp. Những vườn ươm ở thôn 3 không chỉ giúp người lao động địa phương có công việc ổn định mà còn là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Chị Phí Thị Đào, một trong những người làm vườn ươm lâu năm cho biết: “Tôi làm vườn ươm cây giống đã hơn 10 năm rồi. Trước đây tôi cùng chị em trong xóm tham gia vào đội gieo ươm của lâm trường. Về hưu, nhờ có kinh nghiệm gieo ươm cây giống nên tôi mua hạt giống cây keo của lâm trường về làm thành vườn ươm để bán cây giống cho lâm trường và những gia đình có đất trồng rừng trong huyện. Làm công việc này đã quen, cùng với niềm vui khi thấy cây giống tươi tốt, nên năm nào gia đình cũng ươm vài trăm nghìn cây”.
Mỗi vườn ươm hằng năm ươm từ 100-150 nghìn cây, đa số là giống cây keo. Giá bình quân ổn định từ 300-500 đồng/cây, trừ chi phí mỗi hộ có thu nhập từ 20 đến 50 triệu đồng. Cây giống từ vườn ươm ở đây được nhiều người trồng rừng ưa thích vì họ luôn tuân thủ các quy trình kỹ thuật khi ươm, cây con bảo đảm chất lượng. Chị Cao Thị Trúc, kỹ sư lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Drak cho hay: “Chăm sóc cây giống như chăm sóc trẻ sơ sinh vậy, bởi cây non, khả năng chống chịu với khí hậu khắc nghiệt kém, thường hay bị nấm, khô lá, bị côn trùng cắn nên người trồng phải chăm sóc kỹ lưỡng. Các hộ có vườn ươm ở thôn 3 đều nắm được đầy đủ quy trình kỹ thuật ươm cây nên cây đạt chất lượng và được nhiều người tìm mua”. Những vườn ươm ở xóm nhỏ này không chỉ cung cấp giống cây phục vụ trồng rừng ở địa phương, bán cho các vùng lân cận mà còn tạo ra công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Lê trước đây có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của bà con trong xóm về kỹ thuật và hạt giống, gia đình chị đã gắn bó với vườn ươm được 4 năm và đến nay đã thoát nghèo. Chị tâm sự: “Từ khi được chị em trong xóm khuyến khích làm vườn ươm và chia sẻ kinh nghiệm cách chăm sóc cây giống, vợ chồng tôi vừa có việc làm mà thu nhập cũng khá lên, có điều kiện để đầu tư cho các con ăn học đến nơi đến chốn”.
Thúy An
Ý kiến bạn đọc