Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể: Nhiều việc cần phải làm
Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để KTTT thực sự phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới.
Đổi mới để thích ứng
Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có 5.000 tổ hợp tác (THT) và 341 HTX, trong đó có 164 HTX nông nghiệp, 69 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 33 HTX vận tải, 30 HTX thương mại, 34 HTX xây dựng và 11 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTX khá đa dạng, một số HTX tiếp tục tăng vốn điều lệ và mở rộng ngành nghề, hướng đến dịch vụ phục vụ thành viên và cộng đồng như vệ sinh môi trường, kinh doanh chợ, chế biến và tiêu thụ nông sản, cung cấp cây con giống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên. Các HTX mới thành lập đã chú trọng đến mục tiêu hoạt động, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt Điều lệ của HTX đã được coi trọng và thảo luận khá dân chủ, dần đáp ứng các nguyên tắc của HTX; sự gắn bó và trách nhiệm giữa thành viên với HTX và ngược lại cũng được coi trọng. Nhờ đó, tỷ lệ HTX khá, giỏi có chiều hướng tăng dần, chiếm 51%/ tổng số HTX hoạt động. Các HTX đã thực hiện khá tốt mục tiêu “bà đỡ” cho kinh tế hộ, đã tập hợp nông dân để tổ chức sản xuất, phát triển ngành nghề mới, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất theo hướng bền vững, thu hút được khoảng 124.920 thành viên (HTX 57.836 thành viên, lao động; THT 70.000 thành viên) tham gia.
Nhiều HTX đã đầu tư đổi mới trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, làm cho chất lượng sản phẩm và dịch vụ ngày càng tốt hơn. Đơn cử như HTX nông nghiệp Thành Lợi (xã Ea Ô, huyện Ea Kar), được thành lập năm 2011, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp cho bà con ở các khâu làm đất, tưới nước, thu hoạch và phân bón. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX đã thực hiện chuyển đổi mô hình theo Luật HTX với mục tiêu đề ra là làm nông nghiệp khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại HTX đã lắp đặt được một máy xay xát, công suất 10 tấn/ngày, đồng thời khuyến khích các thành viên trồng các giống lúa chất lượng cao để nâng giá trị hạt gạo lên, cải thiện thu nhập cho bà con. Dự kiến, thời gian tới HTX sẽ xây dựng thương hiệu gạo và tìm kiếm thị trường ổn định cho hạt gạo ở xã Ea Ô. Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết, để làm được những điều này, HTX đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn, phải huy động từ rất nhiều nguồn, chủ yếu là từ Ban Quản trị và các thành viên để duy trì hoạt động phục vụ sản xuất cho nông dân, đồng thời hài hòa lợi ích giữa HTX với các thành viên.
Sản phẩm rau an toàn ở HTX Rau an toàn Toàn Thịnh (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) được đóng gói trước khi đưa ra thị trường. |
Bên cạnh đó, các THT tuy quy mô nhỏ và tính hợp tác chưa chặt chẽ, nhưng do có tính linh hoạt về tổ chức nên đáp ứng được một số yêu cầu bức thiết mà một hộ, cá nhân không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả. Điển hình trong lĩnh vực này là: tổ nuôi cá lăng đuôi đỏ xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột; tổ trồng mía huyện Ea Kar… Nhiều THT phát triển thành HTX như tổ cà phê bền vững ở huyện Krông Pak, huyện Cư M’gar; tổ trồng bông xã Ea Na, huyện Krông Ana; tổ sản xuất rau an toàn xã Ea Kmút, huyện Ea Kar…
Còn nhiều thách thức
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, mặc dù có nhiều đổi mới, nhiều HTX hoạt động có hiệu quả nhưng nhìn chung hoạt động của các HTX chưa đa dạng, mới chỉ dừng lại ở một số hoạt động dịch vụ cung ứng đầu vào và đầu ra cho quá trình sản xuất của hộ thành viên, chưa mở rộng đến đối tượng là các hộ nông dân trên địa bàn. Ngành nghề sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể còn bị bó hẹp, chưa khơi dậy được khả năng đầu tư của toàn xã hội và khả năng cạnh tranh còn thấp. Số lượng HTX tồn tại hình thức, danh nghĩa chưa được giải quyết dứt điểm còn nhiều (107 HTX), một số chính sách ưu đãi chưa sát với nhu cầu và tình hình thực tế, hầu hết còn nằm trên giấy tờ. Bên cạnh đó, phần lớn HTX thiếu cán bộ có năng lực quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh, hiện nay cán bộ HTX có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 12,1%; sơ cấp và trung cấp chiếm 24,51%; số còn lại là chưa qua đào tạo, do đó hoạt động của không ít HTX hết sức lúng túng, kế hoạch sản xuất kinh doanh chưa khoa học và mang tính khả thi cao, không xây dựng được kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn. Quan trọng hơn là vốn góp của thành viên vào HTX còn ở mức thấp hoặc không huy động được, vốn điều lệ ở phần lớn các HTX mang tính hình thức, nhất là các HTX nông nghiệp. Mặt khác, do thiếu tài sản thế chấp và uy tín trong quan hệ nên các HTX rất khó vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Điều này đã làm cho đa số HTX luôn trong tình trạng thiếu vốn, thậm chí có những HTX phải ngừng hoạt động hoặc giải thể. Tính đến 6 tháng đầu năm 2014, có 107 HTX ngừng hoạt động, 3 HTX giải thể. Số HTX yếu kém có giảm, nhưng vẫn còn và tiếp tục xuất hiện những HTX tồn tại hình thức, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chưa giải thể được, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của mô hình HTX.
Xay xát là một dịch vụ quan trọng của HTX nông nghiệp Thành Lợi trong việc tiến tới việc xây dựng thương hiệu gạo cho xã Ea Ô. |
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, để khắc phục những hạn chế trên, trước hết cần phải có nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ, vai trò KTTT, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới, nâng cao hiệu quả KTTT. Đặc biệt, đối với HTX, các địa phương cần quan tâm xây dựng được các mô hình HTX điển hình tiên tiến để nhân rộng, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần tập trung khai thác tốt hơn khả năng góp vốn, công sức của các thành viên THT, HTX để vừa làm tốt vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ, trang trại phát triển, vừa mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính và tăng khả năng cạnh tranh theo cơ chế thị trường.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc