Multimedia Đọc Báo in

Niêm yết giá bán hàng ở chợ - tưởng dễ mà khó!

09:11, 22/10/2014

Tình trạng nói thách, không niêm yết giá (NYG) hoặc chỉ niêm yết cho có lệ lâu nay vẫn tồn tại phổ biến tại các chợ truyền thống. Và không thể phủ nhận, chính điều này đã góp phần làm cho niềm tin của người tiêu dùng (NTD) bị giảm sút, đẩy chợ truyền thống rơi vào cảnh ế ẩm.

Không niêm yết giá, người mua dễ bị hớ!

5 năm trở lại đây, không ít chợ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở TP. Buôn Ma Thuột được đầu tư tiền tỷ để xây dựng với quy mô hiện đại, khang trang, sạch đẹp hơn nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua bán của người dân. Tuy nhiên, thói quen hét giá quá cao của người bán khiến nhiều NTD ngại đến chợ truyền thống vì sợ mua hớ. Trên thực tế, cũng có nhiều mặt hàng tại chợ được NYG, nhưng người mua vẫn cứ phải trả giá cho chắc ăn.

Hét giá trên trời và mặc cả khi mua hàng là chuyện không mới tại các chợ, và dù các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thời trang mọc lên ngày càng nhiều, nhưng lượng khách hàng vào mua sắm ở chợ truyền thống mỗi  ngày cũng không phải là ít. Chị Hoàng Thị Tuyến (phường Tự An) vẫn giữ thói quen đi chợ mua hàng, nhất là quần áo, giày dép, bởi theo chị, ở chợ có nhiều món đồ cùng chất liệu, mẫu mã, giá lại rẻ hơn nhiều so với các shop thời trang, nhưng không phải lần nào chị cũng mua hàng đúng với giá trị thật của nó. Chị kể, lần trước, mua đôi giày cao gót ở chợ tạm Buôn Ma Thuột, được người bán thách 170.000 đồng, sau một hồi mặc cả, người ta đồng ý bán cho chị 135.000 đồng. Còn chị Phạm Thị Ngân (phường Tân Thành) thì than thở: dù có trả giá cỡ nào cũng bị hớ, có lần chị hỏi mua một chiếc ví nữ ở chợ Buôn Ma Thuột, chủ hàng hét giá 190.000 đồng, chị mặc cả và mua được với giá 130.000 đồng, nhưng cũng chiếc ví đó, chủ hàng đó, hôm sau, một người bạn của chị chỉ mua với giá 110.000 đồng!

Nhiều mặt hàng tại chợ không được niêm yết giá khiến người mua khó biết được giá trị thật của món hàng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Nhiều mặt hàng tại chợ không được niêm yết giá khiến người mua khó biết được giá trị thật của món hàng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và giữ chân khách hàng, vài năm trở lại đây, tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, việc NYG cũng đã được nhiều tiểu thương thực hiện. Trên các sạp, quầy hàng bày bán các loại thực phẩm thiết yếu như gạo, bánh kẹo… đều có biển NYG được treo công khai. Tuy nhiên, việc làm này chỉ dừng lại ở một số ít quầy, sạp và cũng chưa đến nơi đến chốn, chưa tạo được sự chú ý cao đối với NTD.

Thay đổi thói quen không phải chuyện ngày một ngày hai

Nghị định 109/2013/NĐ-CP, ngày 24-9-2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, trong đó có quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi không NYG giá hàng hóa, NYG không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho NTD; phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ lần thứ 2 trở lên. Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết và dịch vụ do tổ chức, cá nhân, định giá… Tuy nhiên, dễ nhìn thấy, tại các chợ, lượng hàng hóa được NYG chỉ dừng lại ở một con số rất ít, trong đó, nhiều tiểu thương làm cho có lệ để đối phó với cơ quan chức năng, rõ nhất là tại các quầy bán tạp hóa chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, chỉ một số mặt hàng như sữa, bánh, kẹo… được NYG, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với khối lượng hàng hóa được bày bán tại quầy. Theo các tiểu thương, có đến hàng trăm mặt hàng được bày bán, nên việc NYG rất mất thời gian, hơn nữa, có nhiều món hàng giá trị thấp, chỉ vài ngàn đồng cũng khiến tiểu thương ngại NYG. Chị Hoa, bán tạp hóa tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột bộc bạch, nhiều năm nay, chị vẫn chấp hành NYG theo đúng quy định,  nhưng không thể NYG cho tất cả các mặt hàng vì quá nhiều, chưa kể, một số món hàng giá cả lại thường xuyên thay đổi.

Tình trạng NYG một đường, bán ra một nẻo vẫn còn khá phổ biến, nhất là vào mỗi dịp lễ, tết, nhiều mặt hàng như bánh kẹo, quần áo… dù được NYG đàng hoàng, công khai, nhưng người mua vẫn kỳ kèo trả giá. Một tiểu thương cho hay, người mua cứ muốn mặc cả, bởi một phần do thói quen, phần khác do tâm lý e ngại người bán nói thách… nên nhiều quầy hàng cứ NYG cao  rồi khi bán hạ xuống 5-7 giá là vừa, vì thế, xét cho cùng, NYG ở chợ chỉ là hình thức!

Theo Chi cục Quản lý thị trường, thời gian qua, hành vi vi phạm không NYG, bán sai giá niêm yết... trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều. Đối tượng vi phạm thường là những cơ sở kinh doanh, cá nhân buôn bán ở các chợ, trung tâm buôn bán lẻ... Qua kiểm tra, cơ quan này đã phát hiện 115 vụ vi phạm về giá, tiến hành xử phạt hành chính trên 30 triệu đồng. Ông Trần Nguyễn Đức – Chi cục  phó Chi cục QLTT cho hay, tình trạng không NYG ở chợ vẫn còn cơ bản, bởi thói quen “thuận mua vừa bán của người dân”. Khi có đoàn kiểm tra thì người ta thực hiện NYG nghiêm túc, thế nhưng, đoàn kiểm tra đi rồi thì đâu lại vào đấy!

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Đức, điều quan trọng nhất là phải làm sao thay đổi được thói quen nói thách – trả giá của tiểu thương và NTD. Song việc làm này không dễ, và khó có thể đạt được trong một sớm một chiều, bởi nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người mua, kẻ bán. Do đó, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phải đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở lĩnh vực giá cho tiểu thương và người dân hiểu để chấp hành nghiêm.

 Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.