Multimedia Đọc Báo in

"Nóng" tình trạng tiêu chết hàng loạt

09:08, 24/10/2014

Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, toàn tỉnh hiện có 150 ha tiêu bị chết, hơn 1.000 ha bị nhiễm bệnh rải rác ở mức 5 – 7%, tập trung ở các huyện: Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Buk, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ…

Báo động... đỏ!

Gần một tháng nay, ông Nguyễn Văn Tình, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ đứng ngồi không yên, cũng không buồn ra rẫy bởi hơn 400 trụ tiêu 3 năm tuổi, bắt đầu cho thu hoạch của ông đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Ông Tình chia sẻ, thấy tiêu được giá, nên ông đã dồn vốn liếng mua thêm trụ bê tông về trồng. Qua 3 năm chăm sóc, đến thời kỳ thu hoạch, tiêu lại bị bệnh chết dần chết mòn hơn 100 trụ, đến nay vẫn chưa kiểm soát được. Tương tự, gia đình ông Lê Viết Luận (ở cùng phường) cũng đang trong cảnh bỏ thì xót mà mua thuốc trị bệnh lại không có tiền bởi toàn bộ vốn tích lũy ông  đã đầu tư hết vào 600 trụ tiêu. Ông Luận cho biết, tiêu còn xanh lá, quả sai trĩu cành, nhưng chỉ vài ngày sau thì lá đổi màu vàng úa, gió nhẹ là rụng. Theo tính toán của ông, bình thường một trụ ước thu 1 triệu đồng/năm, như vậy, năm nay gia đình đã mất đứt hơn 100 triệu, chưa kể tiền công, giống, phân bón… Trong khi đó, đầu năm 2014, thấy tiêu được giá, anh Nguyễn Viết Song đã vay vốn ngân hàng hàng trăm triệu đồng để trồng hơn 700 trụ tiêu. Giá tiêu giống tăng cao, lại khan hiếm nên khi có người giới thiệu anh đã tìm mua ở một cơ sở sản xuất cây giống tại xã Ea Kiết (Cư M’gar) với giá 6.000 đồng/cây về trồng. Do giống kém chất lượng nên toàn bộ 700 trụ trồng lượt đầu chết sạch, trồng dặm lần thứ 2 chỉ được 200 trụ còn sống. “Đâm lao phải theo lao”, khi mua cây giống không có cam kết về chất lượng đành chịu. “Vốn trụ, cây giống cả trăm triệu rồi, chết thì trồng dặm, vớt được cây nào hay cây, chứ nhổ trụ để trồng cây khác lại càng lỗ”, anh Song than thở.

Vườn tiêu của ông Lê Viết Luận, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ  bị bệnh chết nhanh chết chậm.
Vườn tiêu của ông Lê Viết Luận, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ bị bệnh chết nhanh chết chậm.

Còn tại Cư Kuin, vùng trọng điểm của cây hồ tiêu, người nông dân lại càng khốn đốn hơn khi hồ tiêu là cây trồng chính, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nay lại bó tay ngồi nhìn tiêu chết. Anh Nguyễn Văn Ninh, thôn 25, xã Ea Ning cho biết, gia đình có hơn 100 trụ tiêu trên đồi cao, hơn 20 năm tuổi bị bệnh chết sạch, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Tiêu bắt đầu bị bệnh từ tháng 7, ban đầu chỉ một vài trụ rồi dần lây lan nhanh, chết cả vườn. Một số hộ mới trồng tiêu được 5 năm, có chút vốn liếng, vay vốn ngân hàng để xây nhà, chờ mùa tiêu tới trả nợ, nhưng tiêu chết, nhà làm giữa chừng lại phải dừng lại, dồn tiền cứu tiêu nhưng không cứu được, hàng trăm trụ bị bệnh chết sạch nên rơi vào cảnh không có nhà để ở! Một số hộ không có tiêu cũng gắng chạy vạy khắp nơi để đầu tư trồng, khi tiêu chết, lãi mẹ chồng lãi con, không còn thu nhập để trả tiền lãi…

Không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Theo Chi cục BVTV tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tiêu chết hàng loạt thời gian gần đây là do người nông dân chạy đua theo thị trường, thấy tiêu có giá thì ồ ạt trồng, trong khi đó, lượng cây giống sản xuất ra không đủ cung ứng, phải mua giống trôi nổi, kém chất lượng; trồng tiêu trên những diện tích đất không phù hợp, đất trũng bị ngập úng, chua phèn, nghèo dinh dưỡng nên phải sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích nhiều khiến đất chai, rễ cây không phát triển được bị thối, trở thành cửa ngõ cho nấm bệnh xâm nhập, gây hại. Bên cạnh đó, việc áp dụng kỹ thuật canh tác của cây cà phê lên cây tiêu, tạo hố trồng sâu để giữ nước vào mùa khô nhưng mưa xuống chỉ cần 1 – 2 ngày ngập nước là rễ tiêu bị thối nhũng… Thậm chí, một số gia đình thấy tiêu được giá, liền nhổ bỏ cà phê già cỗi, mua trụ về trồng tiêu mà chưa qua thời gian xử lý mầm bệnh, cải tạo đất nên chỉ một thời gian ngắn, cây bị nhiễm bệnh chết.

Một vườn tiêu trên 20 năm tuổi ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin  chết sạch do bị bệnh.
Một vườn tiêu trên 20 năm tuổi ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin chết sạch do bị bệnh.

Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, những năm trước vào mùa mưa, cây tiêu cũng bị bệnh chết nhanh chết chậm, nhưng năm nay, mức độ cao hơn, tiêu bị chết nhiều hơn, không chỉ tiêu mới trồng 1 - 3 năm mà có những diện tích hơn 20 năm tuổi, trên vùng đất cao, thoát nước tốt vẫn bị bệnh. Trồng cây thì phải phòng, trừ bệnh, tuy nhiên khi sử dụng thuốc phải tuân thủ bốn đúng: đúng lúc, thuốc, phương pháp, liều lượng. Đối với bệnh vàng lá chết nhanh, xem rễ thấy có hiện tượng thâm thối rễ cần phải sử dụng một trong số các loại thuốc sau: Aliette 80WP, Macozeb 80WP, Alimet 80WP, Bonny 4SL, Tervigo+Ridomil Gold 68WP, pha liều lượng theo khuyến cáo trên nhãn thuốc để phun phần thân lá, kết hợp đổ gốc từ 3-5 lít/gốc, xử lý 2 lần cách nhau 7-10 ngày.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.