Multimedia Đọc Báo in

Phát triển công nghiệp vùng biên: Chưa hết khó!

16:01, 13/10/2014

Huyện vùng biên Ea Súp có tiềm năng lớn về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN); cùng với đó, công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư cũng được địa phương quan tâm đẩy mạnh. Tuy nhiên, cho đến nay, sản xuất CN - TTCN trên địa bàn gần như chưa có gì.

Là huyện thuần nông, Ea Súp có thế mạnh trong phát triển các loại cây lúa, ngô, mía, sắn…, với sản lượng hằng năm rất lớn, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc phát triển CN chế biến nông sản, thức ăn gia súc. Bên cạnh đó, nguồn khai thác gỗ rừng trồng, gỗ tận thu từ rừng tự nhiên cũng tạo nên thế mạnh cho ngành CN chế biến gỗ và nghề TTCN gỗ mỹ nghệ. Chưa kể, huyện cũng có trữ lượng khoáng sản đất sét, cát, đá phân tán tại các xã có thể đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…
Một cơ sở xay xát, chế biến gạo tại thị trấn Ea Súp.
Một cơ sở xay xát, chế biến gạo tại thị trấn Ea Súp.

Để thúc đẩy phát triển CN, địa phương đã và đang xây dựng một số chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư, như tạo điều kiện thuận lợi cho họ hoàn tất thủ tục pháp lý một cách nhanh gọn, tuyển chọn lao động tại chỗ và bảo đảm an ninh trật tự để các doanh nghiệp (DN) yên tâm sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Cụm công nghiệp (CCN) Ea Lê cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, diện tích hơn 25 ha, nhằm tập trung vào đây các nhà máy, xí nghiệp quy mô vừa và nhỏ, ít gây ô nhiễm môi trường, đa ngành, mà trọng tâm là chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng và thủ công mỹ nghệ. Đến nay, địa phương cũng đã công bố quy hoạch, cắm mốc thực địa, ban hành quy chế quản lý, thành lập Ban quản lý CCN Ea Lê do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Mặc dù đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, nhưng đến nay, cơ sở hạ tầng đường giao thông nội bộ, điện, tường rào, hệ thống thoát nước trong cụm gần như chỉ là con số không! Về thu hút đầu tư, đến nay đã có 9 DN đăng ký đầu tư, trong đó,  4 DN đã có quyết định cho thuê đất (đạt tỷ lệ lấp đầy 51%), nhưng chỉ có 3 đơn vị đi vào hoạt động gồm kho nguyên liệu của Công ty thuốc lá nguyên liệu KHATOCO (Tổng Công ty Khánh Việt – Khánh Hòa) và nhà máy của 2 DNTN Phước Lợi (mộc mỹ nghệ) và Sen Tuyền (chế biến nông sản). Ngoài ra, một số DN cũng đã có kế hoạch xây dựng các nhà máy chế biến tinh bột sắn, đường và sơ chế mủ cao su trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Nhà kho nguyên liệu của Công ty KHATOCO tại  CCN Ea Lê.
Nhà kho nguyên liệu của Công ty KHATOCO tại CCN Ea Lê.

Ông Trịnh Văn Cường, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Ea Súp cho biết, hoạt động sản xuất CN, dịch vụ trên địa bàn hầu hết có quy mô nhỏ, tự phát trong các hộ dân, rất ít cơ sở sản xuất tập trung, quy mô lớn. Những khó khăn mà địa phương gặp phải là thiếu vốn đầu tư, tiềm lực của các DN địa phương còn yếu, cơ sở vật chất hạ tầng giao thông và trình độ dân trí còn hạn chế.

Theo định hướng phát triển của huyện, phấn đấu đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất CN – TTCN sẽ đạt gần 233 tỷ đồng (theo giá 2010), chủ yếu các ngành khai khoáng chế biến, sản xuất và phân phối điện… Để đạt được mục tiêu đó, địa phương sẽ tận dụng tối đa thế mạnh tại chỗ như khai thác đá, cát xây dựng, sản xuất gạch ngói, xay xát, chế biến gạo, thực phẩm, thức ăn gia súc và lâm sản phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất ra các thị trường khác. Trong đó, huyện chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch CN – TTCN, hình thành các điểm sản xuất tập trung, thu hút đầu tư; huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân tham gia vào các hoạt động sản xuất CN – TTCN, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư cho sản xuất; chú trọng công tác đào tạo nghề và thực hiện các chương trình, đề án khuyến công nhằm hỗ trợ DN mở rộng quy mô và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tín hiệu vui cho phát triển ngành kinh tế này ở Ea Súp là huyện đã xây dựng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho CCN Ea Lê, với tổng số vốn 94 tỷ đồng, bên cạnh đó, CCN Ea Súp 2 quy mô 50 ha cũng đã được bổ sung vào quy hoạch khu, CCN của tỉnh đến năm 2020. Cùng với đó, các công trình trọng điểm sẽ được xây dựng trong thời gian tới như Quốc lộ 29, Quốc lộ 14C, cửa khẩu Dak Ruê…, không những tạo động lực cho phát triển CN – TTCN của địa phương mà còn tạo hành lang giao thương kinh tế giữa Ea Súp với các địa phương khác trong tỉnh, khu vực duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.