Tăng cường các giải pháp phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu đã làm chết khoảng 150 ha, diện tích nhiễm bệnh rãi rác (tỷ lệ hại từ 5-7%) lên tới 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các vùng trồng tiêu như Ea H’leo, Cư Kuin, Krông Buk, Buôn Đôn…
Nguyên nhân do trong thời gian qua, diện tích tiêu tăng nhanh đột biến, đa số diện tích trồng mới chưa được người dân chú ý đến cải tạo đất, xử lý mầm bệnh và không được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật... khiến các loại nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm như: Phytophthora sp, Pythium, Fusarium sp, Rhizoctonia sp… gây hại bộ rễ phát triển mạnh, làm tiêu chết hàng loạt. Đây là tình trạng đáng báo động về nguy cơ dịch hại trên cây tiêu và tình trạng này sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian tới.
Vườn tiêu bị bệnh chết nhanh ở huyện Cư Kuin |
Trước tình hình trên, Chi cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các địa phương tăng cường giải pháp phòng trừ dịch hại trên cây hồ tiêu, theo đó, trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người sản xuất biết về mức độ nguy hiểm của các loại sâu bệnh hại trên cây tiêu, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện sớm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ hữu hiệu... Về lâu dài, cần quy hoạch các vùng trồng tiêu có điều kiện sinh thái phù hợp, chú trọng đầu tư chăm sóc diện tích tiêu hiện có, hạn chế trồng mới; đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, sản xuất tiêu bền vững…
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc