Multimedia Đọc Báo in

Tăng trưởng tín dụng - đâu là "nút thắt"?

20:20, 04/10/2014

Diễn biến đáng chú ý nhất trong hoạt động ngân hàng thời gian gần đây là mặc dù lãi suất cho vay đã về "ngưỡng" thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Dak Lak cho biết, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Lãi suất cho vay ngắn hạn hiện phổ biến 8 - 9%/năm, đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ) phổ biến 7,5 - 8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến từ 10% - 12%/năm. Như vậy lãi suất cho vay đã trở về mức của cuối năm 2007, giai đoạn được cho là có lãi suất phù hợp, bảo đảm lợi ích của người đi vay. Đáng chú ý là các tổ chức tín dụng đã thực hiện điều chỉnh lãi suất đối với những khoản nợ cũ, đến nay, trong cơ cấu dư nợ tín dụng, dư nợ cho vay lãi suất đến 9%/năm ước đạt 9.888 tỷ đồng, chiếm 24,25%; dư nợ cho vay lãi suất trên 9%/năm đến 13%/năm ước đạt 26.530 tỷ đồng, chiếm 65,07%; dư nợ cho vay lãi suất trên 13%/năm ước khoảng 4.353 tỷ đồng, chiếm 10,68% tổng dư nợ cho vay.

Xe chờ nhập mía nguyên liệu tại Công ty Cổ phần Mía đường 333.    Ảnh: G.N
Xe chờ nhập mía nguyên liệu tại Công ty Cổ phần Mía đường 333. 

Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng trong tỉnh, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đến nay đạt 40.771 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tổng dư nợ cho vay tăng, nhưng cho vay DN trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 13.924 tỷ đồng, chiếm 34,2% tổng dư nợ với 2.437 lượt doanh nghiệp vay vốn, giảm 7,4% so với đầu năm. Đây là dấu hiệu xấu cho nền kinh tế, bởi cho vay DN mới là "thước đo" quan trọng trong chất lượng tăng trưởng tín dụng. Nói cách khác, DN có hoạt động hiệu quả thì tín dụng mới tăng trưởng, cùng với đó là sự đi lên của cả nền kinh tế. Vấn đề ở chỗ tiền vốn dồi dào, lãi suất ở mức chấp nhận được, nhưng rất khó để DN tiếp cận vốn. Thực tế trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, với những khó khăn nội tại, cách thức làm ăn thiếu hợp lý nên một số lượng lớn các DN phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản…, các DN còn lại năng lực yếu, tài chính không minh bạch, hoạt động co cụm hoặc phát sinh nợ xấu nên không đủ điều kiện để vay vốn, khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng. Với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bên cạnh việc điều chỉnh lãi suất, ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN, trong đó đáng chú ý là việc ngân hàng cùng với DN thực hiện các dự án ngay khi mới hình thành. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng cũng đã đẩy mạnh cho vay tín chấp… Đây được xem là những giải pháp thiết thực của ngành ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, theo đại diện một ngân hàng thương mại lớn đóng chân trên địa bàn, việc tìm kiếm DN có dự án, phương án kinh doanh tốt để ngân hàng cùng tham gia là rất khó. Trong khi đó, khi thực hiện cho vay tín chấp, nhiều DN lại vướng vào nợ xấu nên ngân hàng cũng khó thực hiện.

Doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn huyện Buôn Đôn.
Doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn huyện Buôn Đôn.

Còn nhớ tại hội nghị “Kết nối ngân hàng – Doanh nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Dak Lak tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua, hầu hết DN đều cho rằng mặt bằng lãi suất chưa phù hợp để thúc đẩy DN phát triển sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, đến nay lãi suất không còn là “nút thắt” nữa, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Có một thực tế là, bên cạnh những DN không đủ điều kiện vay, còn rất nhiều DN không dám vay do “sức mua” của thị trường còn thấp. Những DN thuộc dạng này chỉ vay nếu lãi suất tiếp tục giảm. Do vậy, trong điều kiện cho phép, nếu ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cũng sẽ là một biện pháp hữu hiệu để kích thích nhu cầu vay vốn của các DN. Muốn vậy, các ngân hàng cần tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng các kênh bán hàng… để có thể giảm bớt giá thành sản phẩm, tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay.

Rõ ràng cung - cầu vốn hiện nay khó gặp nhau, đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ nhiều phía để khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong tình hình hiện nay, cả DN lẫn ngành ngân hàng cần xem lại chiến lược kinh doanh của mình, đẩy nhanh việc tái cơ cấu, nâng cao năng lực… để có thể bảo đảm lợi ích của tất cả các bên.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.