Tín hiệu vui cho lộ trình phát triển điện gió tại Dak Lak
Trong khi nhiều dự án thủy điện được loại bỏ khỏi quy hoạch và hạn chế đầu tư do những hệ lụy đối với môi trường cũng như đời sống người dân vùng dự án và hạ du thì một số nhà đầu tư đã bắt đầu phát triển điện gió (ĐG), loại hình điện năng mà Dak Lak có nhiều tiềm năng.
Theo số liệu của Trung tâm khí tượng thủy văn, hướng gió thịnh hành ở Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng là gió Đông, Đông Bắc vào mùa khô; gió Tây, Tây Nam vào mùa mưa; gió Đông Bắc thường thổi cấp 3, 4, mạnh nhất tới cấp 6, 7, gió Tây, Tây Nam thường thổi cấp 2, 3. Để đánh giá tiềm năng ĐG, thời gian qua, đã có một số nhà đầu tư tại Hà Nội, Bình Thuận, Đồng Nai đã lắp đặt cột đo gió tiến hành khảo sát và đầu tư nhà máy ĐG tại huyện Ea H’leo. Kết quả tại các cột đo cho thấy vận tốc gió tại các khu vực này rất tốt, trung bình đạt 6m/s, có tháng lên đến 9,5 m/s, trong khi đó, để phát điện tại khu vực sâu trong đất liền với địa hình đồi núi như Dak Lak thì chỉ cần gió đạt tốc độ 6m/s. Đây là tiềm năng lớn để địa phương phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường và hiệu quả kinh tế cao này.
Cán bộ, chuyên gia của chủ đầu tư trong chuyến khảo sát vị trí xây dựng nhà máy điện gió ở huyện Ea H’leo. |
Nhận thấy triển vọng lớn từ ĐG, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) xin khảo sát và lập dự án (DA) đầu tư nhà máy ĐG trên địa bàn, trong đó nổi bật là DA Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo của Công ty TNHH giải pháp năng lượng gió – HBRE (TP. Hồ Chí Minh) đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư và sẽ khởi công vào đầu năm 2015. DA này được thực hiện từ nay đến năm 2020, với tổng công suất 120 MW, trong đó, giai đoạn 1 công suất 28 MW, tổng mức đầu tư gần 1.370 tỷ đồng, dự kiến sẽ phát điện vào tháng 6 – 2016, với sản lượng hơn 97.200 kWh/năm. Đại diện chủ đầu tư cho biết, giai đoạn 1 của DA sẽ được xây dựng trên diện tích gần 18,5 ha gồm các hạng mục nhà điều hành, trạm biến áp, cột gió, đường giao thông nội bộ, hệ thống đường dây 22 kV nối với trạm biến áp và đường dây 110 kV nối với lưới điện quốc gia. Ngày 6-8-2014, Bộ Công thương đã có Quyết định số 6905/QĐ-BCT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Trang trại phong điện Tây Nguyên vào quy hoạch phát triển điện lực Dak Lak đến năm 2020, sau khi hoàn thành 3 giai đoạn, đây sẽ là nhà máy ĐG có công suất lớn nhất nước.
Dự án điện gió Tây Nguyên sẽ được xây dựng tại thôn 4, xã Đliê Yang, huyện Ea H'leo. |
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, chi phí đầu tư làm ĐG cao hơn so với thủy điện, nhiệt điện do đòi hỏi cao về công nghệ, máy móc thiết bị, nên thời gian hoàn vốn kéo dài. Tuy nhiên, ưu thế của loại hình điện năng này là ít chiếm dụng đất, không ảnh hưởng đến diện tích rừng và thân thiện với môi trường. Cụ thể, trung bình 1 MW thủy điện lớn đã chiếm dụng hơn 14 ha đất các loại, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của 5,5 hộ dân, 1 MW thủy điện nhỏ chiếm dụng gần 9 ha đất, ảnh hưởng đến 1,3 hộ dân, trong khi đó, xây dựng 1 tua bin phát ĐG chỉ sử dụng 400 m2 đất, ảnh hưởng gây ra chỉ là tiếng ồn và độ nhấp nháy sáng do quạt gió quay, nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện trên địa bàn Dak Lak hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng chạy máy vào mùa khô do thiếu nước, nhưng ĐG có thể hoạt động quanh năm vì lượng gió thời điểm yếu nhất là vào tháng 3, 4 vẫn đạt 5-6 m/s, đủ để phát điện. Về hiệu quả kinh tế, giá bán điện gió cho Tập đoàn điện lực Việt Nam hiện nay là 1.614 đồng/kWh, cao hơn so với thủy điện (trung bình 916 đồng/kWh, cao điểm mùa khô 954,52 đồng/kWh). Như vậy, có thể nói, phát triển ĐG là xu thế tất yếu trong ngành sản xuất điện năng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nguồn năng lượng sạch, ngày 29-6-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, về Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án ĐG tại Việt Nam. Ngày 30-8-2014, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt danh mục dự án “Quy hoạch phát triển ĐG Việt Nam” từ nay đến năm 2018. Theo đó, nhiệm vụ cụ thể là đo gió và đánh giá tiềm năng gió; xây dựng kế hoạch phát triển và quy hoạch phát triển ĐG quốc gia và các địa phương. Ông Trương Công Hồng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương) cho biết, ở khu vực Tây Nguyên, tổng năng lượng gió có thể đạt 600 KWh/m2/năm, đây là nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả, vô hạn, định hướng của của ngành điện là tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng của nguồn năng lượng này.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc