Multimedia Đọc Báo in

Từ làm thuê vươn lên làm chủ lò ấp trứng gia cầm

17:48, 15/10/2014
Hai mươi năm trước anh Hồ Xuân Việt (SN 1972) lập gia đình cùng chị Nguyễn Thị Duyên (SN 1974) và sinh sống tại khu vực kinh tế mới Cầu 3, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar.
 
Ngày ngày chị Duyên đi bán hàng rong từ rất sớm trên chiếc xe Cup 50 “cà tàng” chất đầy hai sọt rau xanh, thịt cá… chở đi khắp các thôn buôn trong huyện để bán; còn anh Việt thì đi làm thuê kiếm tiền. Dần dần vợ chồng anh tích cóp được chút vốn, mua mảnh đất gần thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar) để làm nhà, buôn bán nông sản nhỏ lẻ. Nhưng chẳng được bao lâu việc buôn bán bị thua lỗ, năm 2003, vợ chồng anh Việt bán hết nhà cửa để trả nợ, còn dư 7 triệu đồng cùng với số tiền vay mượn thêm bà con mua được mảnh đất tại thôn 1, xã Cư M’gar để dựng căn nhà tạm. Tại đây, chị Duyên lại tiếp tục đi bán hàng rong, anh Việt lại đi làm thuê kiếm tiền nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học. Cuộc sống của gia đình anh chị khi ấy rất khó khăn, do không có đất canh tác, việc đi làm thuê lại phụ thuộc vào mùa vụ, nên thu nhập bấp bênh.
Anh Việt kiểm tra lò ấp.
Anh Việt kiểm tra lò ấp.

Năm 2009 trong một lần về thăm quê hương Nghệ An, anh Việt chứng kiến cuộc sống đổi thay của người cháu làm chủ lò ấp trứng gia cầm; công việc vừa nhẹ nhàng mà đem lại lợi nhuận cao, ngoài ra còn giúp được bà con hàng xóm cách chăn nuôi gia cầm vươn lên thoát nghèo. Anh Việt đã quyết định ở lại học hỏi kinh nghiệm tại lò ấp của cháu một thời gian. Sau khi tích lũy được chút kinh nghiệm, anh trở về bàn với vợ vay mượn tiền đầu tư xây dựng lò ấp trứng. Vậy là năm 2010 lò ấp trứng gia cầm Việt Duyên được cấp giấy phép hoạt động. Thời gian đầu gia đình anh không mấy thành công do tỷ lệ trứng nở thấp. Thất bại ban đầu không làm nản chí, anh Việt tiếp tục “tầm sư” học kinh nghiệm ấp trứng để tìm ra nguyên nhân. Dần dần có tay nghề “cứng”, khách hàng đem trứng đến lò của anh ấp ngày càng nhiều. Đến nay, quy mô lò ấp được 17.000 quả trứng trong mỗi đợt ấp mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Anh Việt chia sẻ: “Hai năm gần đây, nhờ ấp trứng nở tỉ lệ cao, con giống phát triển khỏe mạnh, nên khách hàng ở khắp nơi trong huyện đem trứng đến ấp ngày càng nhiều. Số trứng chưa đến lượt ấp luôn tồn đọng vài nghìn quả. Vợ chồng tôi đang đầu tư mở rộng thêm lò ấp để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng…”.

Ngoài ra, vợ chồng anh còn nuôi hơn trăm con gia cầm các loại. Chỉ tính riêng gà mái đẻ trứng, mỗi tháng cũng cung cấp cho lò ấp trứng nở ra được hơn 400 gà con giống xuất ra thị trường. Thu nhập từ việc ấp trứng gia cầm cho khách cộng với thu nhập từ đàn gia cầm của gia đình, vợ chồng anh Việt mỗi tháng trừ chi phí còn thu lãi vài chục triệu đồng. Nhờ vậy mà hai vợ chồng anh đã lo cho 3 đứa con ăn học chu đáo. Hiện nay cả 3 đứa con của anh chị đều đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh, chi phí cho các con ăn học xa nhà như vậy cũng tốn mỗi tháng hơn mười triệu đồng.

Không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mình, vợ chồng anh Việt, chị Duyên còn tận tình chỉ bảo cách chăn nuôi gia cầm cho những ai đến học hỏi. Khi bà con có nhu cầu bán gia cầm giống hay gia cầm thịt, vợ chồng anh đều nhiệt tình chỉ mối tiêu thụ; nhờ vậy mà uy tín của lò ấp Việt Duyên ngày càng lan rộng, được người dân khắp nơi tin tưởng.

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.