Xây dựng thêm các nhà máy sắn: Sự cần thiết từ nhu cầu thực tiễn
Mùa thu hoạch sắn ở Dak Lak đang sắp sửa bắt đầu và nhiều người đang lo ngại việc giá thu mua sắn sẽ thấp và tình trạng dư thừa nguyên liệu sẽ tiếp tục diễn ra. Bởi vậy, đề xuất xây dựng thêm các nhà máy chế biến tinh bột sắn (CBTBS) của UBND tỉnh vừa qua là điều cần thiết để giải quyết vấn đề trên.
Nguyên liệu dồi dào
So với cả nước, Dak Lak có diện tích trồng sắn khá lớn, dao động từ 28.000 – 32.000 ha/năm, cụ thể, theo số liệu của UBND tỉnh, năm 2011 trồng gần 32.000 ha, sản lượng 610.000 tấn, 2012 trồng hơn 25.700 ha, gần 473.000 tấn, 2013 trồng hơn 29.000 ha, hơn 571.000 tấn, năng suất trung bình khoảng 20 tấn/ha. Có thể nói, cây sắn có vị trí quan trọng đối với ngành nông nghiệp địa phương, tạo thu nhập cho hàng ngàn nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, kinh tế mới tại những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhưng không thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, tiêu… Bên cạnh đó, từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2013, Sở NN-PTNT đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững tại Dak Lak” tại các xã Cư Pui, Hòa Phong, Cư Kty (huyện Krông Bông), Ea Tyh, Ea Sô, Ea Sar, Cư Elang (huyện Ea Kar) và Ea Lai (huyện M’Drak) bằng giống sắn mới như KM 419, KM 444 và KM 140 nhằm chuyển giao quy trình sản xuất sắn theo mô hình thâm canh tổng hợp. Kết quả cho thấy, năng suất sắn dao động từ 23 – 45 tấn/ha, bình quân đạt 38,8 tấn/ha (tăng 30-40% so với sản xuất theo kiểu truyền thống), thu nhập bình quân của người trồng sắn tăng 10 – 15 triệu đồng/ha. Như vậy, khả năng phát triển của cây sắn ở Dak Lak là rất lớn, nếu đầu tư thâm canh tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì sản lượng hằng năm có thể đạt khoảng 1 triệu tấn sắn tươi, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 35 tấn/ha.
Nông dân xã Krông Na, huyện Buôn Đôn xử lý sắn trước khi phơi. |
Trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy CBTBS hoạt động tại các huyện Ea Kar, Ea H’leo, Cư M’gar và Krông Bông, công suất thiết kế 86.000 tấn sản phẩm/năm, công suất hoạt động thực tế năm 2013 đạt hơn 108.000 tấn. Các nhà máy đã vận hành hết công suất, do lượng nguyên liệu dồi dào, một số nhà máy đã nâng công suất hoạt động lên nhiều lần so với thiết kế ban đầu. Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2013 các nhà máy thu mua gần 220.000 tấn sắn nguyên liệu, chiếm 38% sản lượng sắn toàn tỉnh, số còn lại hơn 350.000 tấn, có thể sản xuất được gần 100.000 tấn tinh bột (bình quân 1 tấn tinh bột cần 3,5 tấn sắn củ nguyên liệu), tương đương 4 nhà máy chế biến công suất 20.000 tấn năm. Số lượng sắn này được các nhà máy tại Đồng Nai, Dak Nông, Bình Phước thu mua và vận chuyển ra ngoài dẫn đến thất thu thuế cho địa phương hoặc người dân phơi khô bán cho tư nhân ngoài tỉnh làm thức ăn gia súc hoặc xuất khẩu. Bên cạnh đó, do lợi ích cục bộ, một số nhà máy đã ép giá người nông dân, dẫn đến giá sắn nguyên liệu, sắn lát ở Dak Lak thấp hơn các nơi khác 100 – 300 đồng/kg. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, chủ nhân các nhà máy này thu lãi ròng khoảng 135 tỷ đồng sau khi trừ chi phí, bởi vậy, một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất tinh bột sắn không muốn tăng thêm số lượng nhà máy chế biến (vì sẽ giảm lợi nhuận). Tuy nhiên, tính ở phạm vi rộng hơn, khi tăng thêm nhà máy sẽ tạo sự cạnh tranh công bằng về nguyên liệu, đẩy giá sắn lên tương đương giá bình quân của cả nước (gần 2000 đồng/kg), như vậy người nông dân sẽ được hưởng lợi.
Lời giải cho vấn đề nguyên liệu
Nhà máy CBTBS của Công ty TNHH Quán Quân đóng tại xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar có công suất thiết kế 80 tấn sản phẩm/ngày hầu như không phải lăn tăn đến vấn đề nguyên liệu khi nằm giữa vùng trồng sắn, tổng diện tích 6.800 ha ở các huyện Ea Súp (3.800 ha), Buôn Đôn (1.500 ha), Cư M’gar (1.000 ha) và TP. Buôn Ma Thuột (500 ha). Tổng sản lượng sắn của các địa phương này là hơn 80.000 tấn, trong khi đó, nếu hoạt động hết công suất, mỗi năm nhà máy tiêu thụ khoảng 70.000 tấn nguyên liệu, số lượng còn lại khoảng 10.000 tấn người dân phải bán đi nơi khác, phải chịu cước phí vận chuyển nên giá thành không cao. Đã bước vào thời điểm thu hoạch, công ty thu mua sắn của người dân với giá tại nhà máy từ 1.850 – 1.950 đồng/kg, nhưng hiện tại chỉ thu gom được khoảng 50 tấn/ngày. Vào thời điểm chính vụ nguyên liệu sẽ dồi dào, đơn vị dự kiến hoạt động tối đa công suất (100 tấn sản phẩm/ngày). Ông Hồ Văn Hòa, Giám đốc công ty cho biết, hầu hết các nhà máy CBTBS ở Dak Lak đều có công suất trung bình, trong khi sản lượng sắn của địa phương rất lớn, nên muốn tiêu thụ hết lượng sắn toàn tỉnh thì công suất các nhà máy phải tăng gấp đôi.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH Quán Quân Tây Nguyên đang sửa chữa và chạy thử trước khi bước vào sản xuất. |
Để khắc phục tình trạng thừa nguyên liệu và tăng giá trị cho cây sắn, vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT về việc bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà máy CBTBS trên địa bàn Dak Lak. Theo đó, trên cơ sở kết quả rà soát về diện tích đất trồng sắn, năng suất, sản lượng của vùng nguyên liệu, UBND tỉnh khẳng định việc phát triển thêm một số nhà máy CBTBS là hợp lý và địa phương có đủ điều kiện để thực hiện. Đồng thời, việc xây dựng thêm các nhà máy này sẽ giải quyết được vấn đề tiêu thụ nguồn nguyên liệu sắn dư thừa hằng năm rất lớn của tỉnh, tránh tình trạng các nhà máy độc quyền thu mua nguyên liệu, ép giá người nông dân, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, nhà nông và Nhà nước; đồng thời, sẽ tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng của địa phương. Từ đó, Dak Lak xin phép triển khai 4 nhà máy CBTBS tại xã Krông Á, huyện M’Drak, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm, xã Krông Jing, huyện M’Drak, 20.000 tấn/năm, xã Ea Pal, huyện Ea Kar, 20.000 tấn/năm và Cư Pui, huyện Krông Bông, 850 tấn/năm. Bên cạnh đó, tại các huyện Krông Năng, Ea Súp và Lak cũng có nguyên liệu dồi dào có thể đáp ứng cho các nhà máy với tổng công suất tối đa khoảng 140.000 tấn/năm.
Về một số ý kiến cho rằng, việc xây dựng thêm các nhà máy CBTBS sẽ dẫn đến hệ lụy là diện tích sắn tăng, ảnh hưởng xấu đến đất đai vì sắn là loại cây hại đất. Tuy nhiên, trên thực tế, phần nhiều diện tích sắn ở Dak Lak đều tập trung ở những địa bàn đất xấu, khó phát triển loại cây khác, bên cạnh đó, nếu trồng sắn theo đúng khoa học kỹ thuật cũng sẽ ít ảnh hưởng đến đất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Vấn đề quan trọng nhất là cần gắn các vùng nguyên liệu này với các nhà máy chế biến để nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp cũng như công nghiệp chế biến nông sản cho địa phương.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc