Multimedia Đọc Báo in

Xe đạp điện "hút" khách

08:33, 11/10/2014
Ba năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng xe đạp điện tại Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng ngày càng tăng và được các đối tượng khách hàng là người già, học sinh cấp THCS, THPT ưa chuộng.
 
Chị Thúy, nhân viên tại một cửa hàng xe đạp điện trên đường Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, những ngày bình thường cửa hàng bán ra từ 3-4 chiếc/ngày, mùa tựu trường năm nay tăng lên 7-8 chiếc. Năm học mới, bên cạnh việc sắm sửa quần áo, sách vở thì phương tiện đi lại rất quan trọng, bởi các em học sinh từ lớp 7 đến 12 đã lớn, học tập, hoạt động ngoại khóa nhiều nhưng chưa đủ tuổi để đi xe máy, trong khi đó các bậc phụ huynh không có thời gian đưa đón nên xe đạp điện là lựa chọn tốt nhất. Hiệu ứng dây chuyền của sản phẩm này rất lớn, đặc biệt là giới trẻ nên thị trường xe đạp điện có nhiều tiềm năng phát triển. Theo khảo sát, trên thị trường hiện có nhiều loại xe của các hãng khác nhau như Hitasa, Dh bike, Yamaha… trọng lượng xe 46 - 55kg, quãng đường di chuyển từ 20 - 95km/lần sạc, thời gian bảo hành từ 6 - 18 tháng, giá dao động từ 6 – 12 triệu đồng/chiếc, chủ yếu là xe được sản xuất tại Việt Nam hoặc liên doanh với Đài Loan, Nhật Bản... Tùy vào điều kiện kinh tế, sở thích của mỗi khách hàng mà có cách lựa chọn khác nhau, như người già chủ yếu đi đường gần thường chọn xe bãi của Nhật, vóc dáng như xe đạp bình thường nên dễ đi, nhẹ, khách hàng nữ chuộng xe màu xanh, đỏ, tím, hồng, nam chọn xe khung nhôm, dáng cao…  Chị Trang, đường Y Wang cho biết, trước đây, hằng ngày chị phải đưa đón con tới trường, học thêm, bồi dưỡng học sinh giỏi… quần quật cả ngày, thấy con bày tỏ muốn đi xe đạp để mẹ đỡ vất vả, lại chủ động thời gian nên cuối hè vừa rồi chị dẫn con tới cửa hàng để mua xe. Tuy học lớp 9 nhưng con chị có dáng người nhỏ, lại phải học hành nhiều nên chị đã lựa chọn xe đạp điện. Tuy giá tiền hơi mắc nhưng bù lại xe đạp điện có ưu thế về tốc độ, chi phí vận hành…, quan trọng hơn là giúp con chủ động thời gian học tập, tạo thói quen năng động. Để con làm quen với xe đạp điện, chị đã dành thời gian cùng con tập xe từ sân nhà, đến đường vắng, rồi đường phố đông người, đi từ nhà đến trường… 
Xe đạp điện đang là lựa chọn của nhiều em học sinh.
Xe đạp điện đang là lựa chọn của nhiều em học sinh.

Không chỉ các bậc phụ huynh mà các em nhỏ cũng rất hào hứng khi đi xe đạp điện. Em Phạm Yến Nhi, trường THCS Hùng Vương cho biết, đầu năm học vừa rồi, em được mẹ mua cho xe đạp điện 12 triệu đồng để đi học. Ban đầu đi chưa quen rất khó điều khiển tay ga, nhưng dần quen thì rất dễ đi, thời gian đến trường được rút ngắn, không phải ngồi chờ trước cổng trường hay lê la hàng quán mỗi khi tan học. Hiện trong trường có rất nhiều bạn đi học bằng xe đạp điện.

So với dòng xe truyền thống sử dụng bình ắc quy thì xe đạp sạc điện được ưa chuộng hơn bởi kiểu dáng đẹp, mẫu mã đa dạng, nhưng có nhược điểm là thường dễ bị chai pin, rất vất vả khi di chuyển nếu hết điện giữa đường, do vậy, người sử dụng nên kiểm tra bình điện và sạc thường xuyên. Tốc độ thiết kế trung bình của xe là 40 km/h tương đương xe máy, nhưng khả năng giảm tốc hạn chế nên vận tốc an toàn là 25 km/h. Trước khi sử dụng tay ga điện, đi trên đường đèo, dốc hay chở nặng thì người dùng nên đạp vài nhịp để trợ lực cho xe. Khi lưu thông trên đường, cần phải đội mũ bảo hiểm, chú ý quan sát, không nên tăng ga đột ngột hay phanh gấp, không chở nặng trên 100kg, không nên sử dụng dưới trời mưa. Khi mua xe, người tiêu dùng nên quan tâm tới thông số ắc quy, hệ thống phanh, sạc…

Không chỉ tiết kiệm chi tiêu, tốc độ hợp lý, dễ sử dụng mà xe đạp điện còn là “đại sứ” thân thiện với môi trường, màu sắc trẻ trung nên đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên ngày càng nhiều.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.