Multimedia Đọc Báo in

Ẩn họa từ công nghệ trồng rau... "bẩn"

08:53, 27/11/2014

Để có những vườn rau, quả luôn xanh tươi, bắt mắt người tiêu dùng, nhiều hộ nông dân đã sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc kích thích tăng trưởng vô tội vạ. Điều đáng nói là sau khi bơm thuốc chỉ từ 2 - 3 ngày họ đã thu hoạch để bán cho người tiêu dùng. Đây là thực trạng đang diễn ra khá phổ biến tại một số địa bàn chuyên canh rau ở TP. Buôn Ma Thuột.

“Tắm” thuốc cho rau

Trong vai người đang tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm trồng rau để về áp dụng tại nhà mình, chúng tôi có dịp thâm nhập thực tế một số cánh đồng chuyên canh các loại rau, quả trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Những nông dân trồng rau tại đây chỉ dẫn chúng tôi khá tận tình, kể cả những kinh nghiệm thuộc loại “bí quyết” riêng. Chị Đinh Thị T., một chủ vườn rau ở xã Hòa Khánh cho biết, việc trồng rau ngày nay dù ít hay nhiều cũng không thể thiếu các loại thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng. Theo chị T., loại rau, quả sử dụng thuốc thiều nhất là dưa leo, kế đến là khổ qua (mướp đắng), cà chua, đậu cô-ve, rồi mới đến các loại rau xà lách, rau cải, rau muống… Dưa leo nếu trồng “chay”, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng thì giai đoạn từ khi cây ra hoa đến lúc thu hoạch quả phải mất khoảng gần 1 tháng, còn phun thuốc kích thích thì chỉ cần 7- 10 ngày là xuất bán, mà trái dưa luôn to, bóng và rất đẹp. Dưa leo thường được bà con phun thuốc liên tục 2 ngày/lần, kể cả thuốc trừ sâu bệnh và thuốc kích thích, và từ lần phun cuối cùng đến khi xuất bán cũng chỉ khoảng sau 2 ngày. Nhờ kích thuốc mạnh, mỗi sào dưa của chị T. đã cho năng suất 4 - 5 tấn trái, cao gấp đôi cách trồng truyền thống.

Đậu cô-ve là loại rau được “tắm” thuốc kích thích khá nhiều. (Trong ảnh: Một vườn rau của người dân tại tổ dân phố 12, phường Khánh Xuân)
Đậu cô-ve là loại rau được “tắm” thuốc kích thích khá nhiều. (Trong ảnh: Một vườn rau của người dân tại tổ dân phố 12, phường Khánh Xuân)

Cách đó không xa, tại cánh đồng rau của phường Khánh Xuân, chị Lê Thị X. cũng đang phun thuốc BVTV cho vườn rau bắp cải để giữ cho rau tươi non chuẩn bị xuất bán. Chị X. tiết lộ: Trung bình suốt 2 tháng từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, một sào bắp cải phải chi khoảng 8 triệu đồng tiền thuốc, phân bón các loại (bắp cải trồng theo phương thức truyền thống mất khoảng 3 - 3,5 tháng). Đậu cô-ve phải bón tưới nhiều thuốc hơn, nên chi phí tầm 10 - 12 triệu đồng/sào. Theo chị X., nhờ được “tắm” thường xuyên các loại hóa chất nên rau, quả mới có được năng suất và sản lượng cao gấp nhiều lần so với chỉ áp dụng phương thức trồng rau “chay” không phun thuốc. Các loại thuốc kích thích mà người trồng rau sử dụng khá đa dạng, có những loại thuốc nằm trong danh mục cấm, có loại không rõ nhãn mác bao bì, hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc... Song, các loại thuốc kích thích này không chỉ giúp cây rau lớn nhanh mà còn làm cho lá bóng mượt, tươi lâu, mềm cọng, bắt mắt người mua.

Ông Nguyễn Đình Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Khánh Xuân cho biết: Tổng diện tích rau toàn phường khoảng 72 ha, trong đó trên 40 ha là diện tích trồng rau, quả quanh năm. Bên cạnh một số mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được Sở Công thương đầu tư triển khai thì phần lớn hộ dân trên địa bàn đều trồng rau theo hình thức tự do. Mặc dù hằng năm Hội Nông dân phường luôn phối hợp với các đơn vị chức năng TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh tổ chức các lớp tập huấn trồng rau sạch cho bà con trên địa bàn áp dụng, nhưng vì lợi nhuận kinh tế trước mắt mà chẳng mấy ai quan tâm thực hiện…

Hiểm họa khôn lường

Ở các phường Tân Tiến, Khánh Xuân, xã Hòa Khánh, Hòa Phú… được xem là vùng chuyên canh rau của TP. Buôn Ma Thuột, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng trên 10 tấn rau, củ, quả các loại. Hằng ngày, cứ vào mỗi buổi chiều tối, các thương lái lại bắt đầu đến tận vườn của bà con để thu mua rau, quả đưa đến chợ đầu mối Tân An bán. Tại đây, rau, quả sẽ được đưa đi khắp các chợ, các nhà hàng, quán ăn ở nội, ngoại thành và một số huyện lân cận. Theo các thương lái chuyên kinh doanh rau ở chợ đầu mối Tân An thì họ không cần quan tâm đến việc nhà vườn cung cấp rau chất lượng sạch hay “bẩn”, miễn là rau đẹp, xanh tươi, bắt mắt thì mới nhập vào. Hiện nay, người tiêu dùng cũng khó phân biệt đâu là rau sạch và không sạch, thậm chí rau “bẩn” còn át cả rau sạch do người tiêu dùng thích chọn những loại rau, quả có vẻ bề ngoài bắt mắt, còn nhà vườn thấy thu lợi nhuận nhanh nên bất chấp.Bà Vũ Thị Thanh Bình, Chi cục Phó Chi cục BVTV tỉnh bày tỏ sự lo lắng: Khi người tiêu dùng ăn các loại rau, củ, quả còn tồn dư độc tố của các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích thì rất dễ bị ngộ độc. Theo thời gian, các hóa chất độc hại này ngấm dần vào cơ thể người ăn, sẽ dẫn đến các bệnh nan y như ung thư, suy thận… Tình trạng người dân lạm dụng các loại thuốc BVTV, thuốc kích thích trong quá trình trồng rau là vô cùng nguy hiểm, trước hết cho chính người trồng rau vì thường xuyên phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại này, kế đến là người tiêu dùng và ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

Mặc dù hằng năm, Chi cục BVTV đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thường đi kiểm tra, nhắc nhở và tổ chức các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc rau sạch nhưng tình trạng người dân lạm dụng thuốc, hóa chất để trồng rau vẫn diễn ra phổ biến và rất khó ngăn chặn, xử lý.

Trước thực trạng trên bà Vũ Thị Thanh Bình khuyến cáo: Để việc sử dụng thuốc BVTV đạt được yêu cầu hiệu quả và an toàn, tức là vừa giữ được năng suất chất lượng rau, vừa bảo vệ được sức khỏe cộng đồng và cho chính gia đình mình, người trồng rau không nên sử dụng các loại thuốc có hàm lượng độc tố cao, thuốc lâu phân hủy, dùng quá liều quy định và bảo đảm thời gian cách ly hợp lý, an toàn từ khi ngừng sử dụng thuốc đến lúc xuất bán rau, quả. Còn đối với người tiêu dùng nên đến các siêu thị, các quầy rau sạch có chứng chỉ, nơi mà rau củ, thực phẩm được kiểm nghiệm chặt chẽ về mức độ an toàn dư lượng thuốc BVTV để mua; hãy cảnh giác với các loại rau, quả to, đẹp và có màu sắc khác thường khi chọn mua chế biến bữa ăn cho gia đình.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.