Chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp vùng dự án
Chủ trương thu hút đầu tư các dự án (DA) nông nghiệp những năm qua đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, một số DA trong quá trình triển khai đã để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Kiểm tra tới đâu thấy sai phạm tới đó
Toàn tỉnh hiện có 36 DA trồng, cải tạo, quản lý bảo vệ rừng, nông lâm nghiệp khác với tổng diện tích 28.875,5 ha, trong đó có 32 DA được phép triển khai thưc hiện, 4 DA đang khảo sát, hoàn thiện trình thẩm định. Trong số 32 DA được cấp phép, mới chỉ có 8 DA đã thực hiện xong kế hoạch, với tổng diện tích rừng đã trồng 3.386,5 ha gồm: Công ty TNHH Đức Hải, Công ty TNHH Lộc Phát (thực hiện dự án tại Ea H’leo), Công ty TNHH Tam Phát (M’Drak), Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Drak, Công ty TNHH Tín Phát (Krông Năng), Công ty TNHH Bảo Lâm (Krông Ana), Công ty Cổ phần Hưng Thịnh (Lak), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông. Kết quả kiểm tra của Sở NN-PTNT mới đây cho thấy, tại một số địa phương, đặc biệt là trên địa bàn huyện Ea Súp, tình trạng chặt phá bao chiếm rừng vẫn diễn ra phức tạp. Cụ thể, Công ty Cổ phần Bảo Ngọc đã san ủi trái phép trên diện tích 7 ha rừng thuộc DA cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng kết hợp chăn nuôi gia súc tại tiểu khu 235, 237 xã Ea Bung (Ea Súp) gây thiệt hại trên 7,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần XD – TM Đại Hưng đã cày xới khoảng 59,97 ha rừng và đất rừng thuộc DA cải tạo bảo vệ và phát triển rừng tại tiểu khu 225 xã Ia R’vê (Ea Súp) khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng; Công ty TNHH 27/7 tại xã Ea Bung khai hoang trái phép 38,66 ha trong diện tích quy hoạch cải tạo rừng để trồng cao su…
Đất vùng dự án bị xâm canh, lấn chiếm trái phép ở Ea Súp. |
Còn đối với các DA trồng cao su, trong số 40 DA có 31 DA đã được phép triển khai, 9 DA thực hiện các bước khảo sát, xây dựng, thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền xem xét. Trong số đó, có 12 DA đã hoàn thành, với tổng diện tích khoảng 8.000 ha. Cũng như các DA trồng, cải tạo, quản lý bảo vệ rừng và nông lâm nghiệp khác, một số công ty vẫn để xảy ra tình trạng chặt phá, bao chiếm đất rừng trái phép. Như Công ty TNHH Anh Quốc, xây dựng trái phép 5 lò đốt than tại khu vực nhà điều hành DA trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng tại tiểu khu 239 xã Cư M’lan (Ea Súp), để người dân xâm canh, lấn chiếm đất rừng thuộc DA trồng rừng và cây công nghiệp tại tiểu khu 689 xã Cư Bông (Ea Kar). DA của Công ty TNHH SX XNK lương thực Bình Dương tại huyện Buôn Đôn đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục thuê rừng gắn với thuê đất theo quy định, phần lớn diện tích đất đai vùng quy hoạch đã bị xâm canh, lấn chiếm trái phép…
Một dự án trồng cao su tại Buôn Đôn. |
Kiên quyết xử lý sai phạm
Căn cứ kết quả kiểm tra, Sở NN-PTNT đã có Công văn số 1444/SNNNT-CCLN ngày 16-9-2014 yêu cầu các DN đầu tư DA phát triển nông, lâm nghiệp khẩn trương triển khai khắc phục những tồn tại trong trong quá trình thực hiện và đề nghị UBND tỉnh kiên quyết xử lý các DA vi phạm. Hạt Kiểm lâm Ea Súp cho biết, các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng gồm: Công ty Cổ phần Bảo Ngọc, Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Đại Hưng, Công ty TNHH 27/7, Hạt đã chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án theo quy định của Pháp luật. Căn cứ kết luận vụ án của cơ quan tố tụng, sẽ áp dụng hình thức yêu cầu DN khắc phục hậu quả hoặc đề xuất thu hồi dự án. Công ty TNHH Anh Quốc được yêu cầu phá dỡ các lò đốt than xây dựng trái phép trong khu vực DA. Về biểu hiện thiếu năng lực quản lý, thực hiện dự án của đơn vị này, Sở cũng đã có đề nghị UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra làm rõ. Công ty TNHH TM và SX Lộc Phát đã trồng khoảng 48 ha cà phê thuộc DA trồng rừng (bằng cây keo lai) thuộc tiểu khu 106 xã Ea Hiao (Ea H’leo), UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã có nhiều văn bản yêu cầu DN trồng lại rừng bằng cây keo lai trên diện tích đã trồng cà phê sai mục đích, nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa thực hiện. Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra đơn vị này, trên cơ sở đó đề xuất biện pháp xử lý phù hợp hoặc hồi đất DA. Còn đối Công ty TNHH Phúc Nguyên tại xã Cư Ea Lang (Ea Kar) đã trồng cao su trên diện tích được quy hoạch trồng rừng nguyên liệu, sau khi xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đã yêu cầu Công ty tiến hành điều chỉnh DA phù hợp với tình hình thực tế trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Bên cạnh đó, đối với diện tích 150 ha cao su đã trồng trên diện tích được quy hoạch trồng rừng nguyên liệu, xét quá trình triển khai chưa vi phạm quy hoạch trồng cao su của huyện Ea Kar nên Sở cũng đã đề nghị UBND tỉnh cho phép đơn vị này làm thủ tục chuyển đổi mục đích phù hợp. Công ty CP ĐT XD Tân Phú Hưng được thuê 371,9 ha đất tại xã Ea Sol để trồng cao su, tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy, hiện nay trong vùng dự án của Công ty chỉ còn 26 ha cao su, hầu hết diện tích còn lại đã bị xâm canh, lấn chiếm. Hiện, UBND cũng đã chỉ đạo Thanh tra làm rõ việc sử dụng đất đối với doanh nghiệp này. Riêng 2 DA có dấu hiệu mua bán, sang nhượng: Công ty Cổ phần Cao su Tri Đức và Công ty TNHH sản xuất Rừng Xanh, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý theo đúng quy định của Pháp luật.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc