Để Buôn Ma Thuột xứng tầm là cửa ngõ giao thông khu vực Tây Nguyên
Xác định TP. Buôn Ma Thuột là hạt nhân vùng Tây Nguyên, trong những năm qua, hạ tầng giao thông đô thị và vùng ven trên địa bàn không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở rộng, tạo ra mạng lưới giao thông hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư...
Tập trung nhiều công trình giao thông trọng điểm
Quyết định 249/QĐ-TTg, ngày 13-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tầm nhìn của TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 là đô thị kết nối các đầu mối kinh tế như giao thông, thương mại, công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, y tế…, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng của vùng Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng… Với tầm nhìn quan trọng đó, Buôn Ma Thuột có nhiều công trình giao thông trọng điểm được Chính phủ đầu tư đã và đang được triển khai, tạo điểm nhấn cho trung tâm thành phố, góp phần đánh thức tiềm năng ở các xã, phường vùng ven. TP. Buôn Ma Thuột có trên 1.000 km đường giao thông các loại, trong đó có 3 tuyến Quốc lộ (QL) chạy qua gồm QL14, QL26 và QL27, với tổng chiều dài hơn 45 km, đã được nhựa hóa 100%, kết nối giao thương giữa địa phương với các tỉnh duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Trong đó, QL14 (đường Hồ Chí Minh) được nâng cấp, mở rộng với số vốn hàng nghìn tỷ đồng, được đầu tư bằng nhiều hình thức như dùng trái phiếu Chính phủ (TPCP), BOT…, riêng đoạn phía Nam thành phố cơ bản hoàn thành, đoạn phía Bắc đang được chủ đầu tư triển khai thi công.
Cùng với đó, việc đầu tư các tuyến đường vành đai trên địa bàn thành phố cũng đang được các cấp, ngành chú trọng – đây là những tuyến đường có ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông đô thị. Trong đó, phải kể đến Dự án đường vành đai phía Tây thành phố, dự kiến sẽ thông tuyến vào cuối năm nay. Công trình có tổng chiều dài gần 14 km, đi qua địa bàn hành chính 8 phường, xã thành phố, với tổng mức đầu tư trên 687 tỷ đồng bằng nguồn vốn TPCP. Dự án này hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến đường trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, Dự án xa lộ Đông Tây thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về nguyên tắc đầu tư, với tổng chiều dài gần 7 km, bắt đầu từ điểm giao nhau giữa đường Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng đến nút giao QL27 - đường vào Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, nếu hoàn thành sẽ góp phần vào việc thu hút các nhà đầu tư, khai thác tốt tiềm năng đất đai vùng dự án, đặc biệt hình thành khu đô thị mới của thành phố về phía đông nam, tạo động lực cho quá trình xây dựng phát triển các quy hoạch dọc hai bên tuyến như quy hoạch khu đô thị mới đồi Thủy Văn, quy hoạch hồ Ea Tam.
Nhà ga Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đáp ứng 1 triệu lượt hành khách/năm vào cuối năm 2020 là nhà ga hiện đại nhất Tây Nguyên. (Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục bay tại Nhà ga Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột.) |
Hiện nay, các cấp, ngành có thẩm quyền đang tìm các phương án huy động vốn khả thi để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất. Còn nhà ga Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột được xây dựng theo tiêu chuẩn hạng sân bay cấp 4C (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp I, bảo đảm tiếp nhận các loại máy bay như A320/A321, ATR72, F70 và tương đương; dự báo đến năm 2015 lượng vận chuyển hành khách tại cảng đạt trên 700.000 lượt hành khách/năm, năm 2020 là 1,4 triệu lượt hành khách/năm và đến năm 2030 gần 2,9 triệu lượt hành khách/năm. Trong tương lai, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột sẽ phát triển các tuyến giao thông đường không nối khu vực Tây Nguyên với miền Nam, miền Bắc. Đây là động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cũng như khai thác hơn nữa tiềm lực của TP.Buôn Ma Thuột nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Chú trọng đầu tư giao thông vùng ven
Bên cạnh những thuận lợi có nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm được đầu tư, thành phố cũng chú trọng xây dựng các trục đường đô thị, với tổng chiều dài gần 200 km, tỷ lệ cứng hóa đạt trên 96,5%, cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải hiện nay của thành phố, tạo động lực để vùng ven phát triển. Theo báo cáo của UBND thành phố, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã đầu tư xây dựng mới khoảng gần 20 km đường, bao gồm các trục đường trong các khu đô thị mới: khu dân cư km 4-5, khu dân cư khối 6, khối 8 (phường Tân An); nâng cấp, mở rộng theo mặt cắt ngang quy hoạch một số tuyến đường, với tổng chiều dài khoảng 21 km, gồm đường Y Ngông, Nguyễn Thị Định, Hà Huy Tập, Ama Jhao, A Ma Khê, Y Moan, Trần Nhật Duật, Mai Xuân Thưởng, Giải Phóng, Quang Trung…
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay để phong trào bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, thành phố lựa chọn phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó nguồn lực chính huy động từ phía người dân. Nhờ đó, đã được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ giữa các xã, phường trên địa bàn. Là đơn vị vừa được thành phố hỗ trợ xi măng, người dân tại liên gia 1, 2 (khối 10, phường Khánh Xuân) đã đóng góp trên 100 triệu đồng tiền, ngày công để bê tông hóa đoạn đường tại liên gia. Đến nay, sau gần 1 tuần triển khai, đoạn đường dài hơn 400 mét đã hoàn thành, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân nơi đây. Bà Phạm Thị Duyên, tổ trưởng liên gia 1,2 cho biết, đoạn đường hoàn thành là điều mơ ước bấy lâu nay của người dân, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần giảm gánh nặng đóng góp cho bà con, được nhân dân đồng lòng, chúng tôi hy vọng thành phố sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa để tất cả các tuyến đường đều được bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, thay đổi diện mạo ở các khu dân cư vùng ven như Khánh Xuân. Trong 3 năm (từ 2011-2013) TP. Buôn Ma Thuột đã huy động nhân dân làm đường chỉ đạt hơn 28 tỷ đồng bê tông hóa các tuyến đường giao thông. Đặc biệt, thực hiện Công văn số 502/UBND-KT của UBND thành phố và Công văn số 790-CV/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương hỗ trợ xi măng đối với 8 xã và phường Khánh Xuân, từ tháng 7 đến cuối tháng 10-2014, thành phố đã hỗ trợ trên 4.300 tấn xi măng, nhân dân đóng góp gần 13 tỷ đồng, tham gia 7.360 ngày công… bê tông hóa gần 37 km đường tại 8 xã và phường Khánh Xuân.
Để Buôn Ma Thuột xứng tầm là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các tỉnh Tây Nguyên với các vùng trong nước và quốc tế như Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó địa phương sẽ ưu tiên thực hiện các giải pháp trọng tâm như đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng các cơ chế đầu tư đặc thù theo quy định để giảm bớt chi phí thiết kế, quản lý, giám sát đối với các dự án, công trình giao thông; khuyến khích các hình thức đầu tư như BOT, BTO, BT đối với các công trình giao thông trọng điểm như xa lộ Đông Tây; các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản UBND thành phố sẽ quyết định danh mục các công trình giao cho UBND các xã được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù là không phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, trên cơ sở thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, chỉ cần lập dự toán đơn giản, chỉ định cho người dân và cộng đồng trong địa phương tự thực hiện…
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc