Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng ở Yang Mao

20:45, 01/11/2014

Từ giữa năm 2013 đến nay, hàng trăm hộ dân xã Yang Mao, huyện Krông Bông đã tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ đối với diện tích rừng do xã quản lý và một số  diện tích của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, bước đầu đã tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con.

Yang Mao là xã đặc biệt khó khăn, với 999 hộ, 5330 nhân khẩu, trong đó số hộ nghèo chiếm đến 47%. Diện tích đất canh tác nông nghiệp chỉ được được 1.300 ha nhưng đất xấu, đồi dốc, không chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất cây trông không cao, đời sống của nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Từ năm 2013, khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai, với lợi thế có diện tích rừng hơn 7.710 ha, Yang Mao trở thành xã được hưởng lợi khá từ chính sách này. Với mức thanh toán cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng được chi trả bình quân khoảng 138 ngàn đồng/ha/ năm, tính ra diện tích rừng do xã quản lý cũng thu về được hơn 1 tỷ đồng. UBND xã đã giao một phần diện tích rừng trên cho cộng đồng 4 buôn quản lý, bảo vệ 910ha. Theo đó, 4 buôn này sẽ bầu ra một số hộ đại diện đứng ra quản lý bảo vệ, những hộ này sẽ được hưởng 50% số tiền được chi trả, số còn lại sẽ nộp vào cho quỹ của buôn để dùng vào việc đầu tư xây dựng, sữa chữa các công trình công cộng; thăm hỏi gia đình ốm đau, ma chay, cưới hỏi… Như ở buôn Tul, được nhận quản lý, bảo vệ  383 ha rừng, buôn cử ra 25 hộ đại diện trực tiếp đi tuần tra bảo vệ rừng. Số tiền thu được hằng năm từ rừng nhận khoán khoảng 50 triệu đồng, một nửa được dùng trả công cho người trực tiếp bảo vệ rừng, còn một nữa giữ lại cho quỹ của buôn. Năm 2014, nhờ quỹ này, buôn Tul đã lắp đặt được hệ thống đường điện chiếu sáng 34 bóng đèn trên các tuyến đường chính vào buôn, với chi phí 105 triệu đồng. Đối với hơn 6000 ha rừng còn lại, do nằm ở xa, địa hình đi lại khó khăn nên xã Yang Mao tổ chức quản lý tập trung bằng hình thức huy động 90 thanh niên của các thôn, buôn tham gia quản lý bảo vệ. Mỗi tháng, những người này được nhận 700 ngàn tiền phụ cấp.

Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin và người dân đi tuần tra rừng.
Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin và người dân đi tuần tra rừng.

Ngoài ra, các hộ dân trong xã còn nhận quản lý, bảo vệ rừng cho Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, với 396 hộ thuộc 7 buôn nhận quản lý, bảo vệ hơn 10.000 ha rừng. Bình quân mỗi hộ được giao khoán từ 25-30 ha, được chi trả số tiền 138 ngàn đồng/ha/năm, và phải có trách nhiệm cùng với kiểm lâm của Vườn thực hiện các chuyến tuần tra bảo vệ diện tích rừng từng hộ đang quản lý. Anh  Y Quyết, buôn phó buôn Tul cho biết, có 95 hộ của buôn nhận quản lý, bảo vệ rừng cho Vườn; trước đây, vào những lúc nông nhàn, đàn ông, thanh niên trong buôn không có việc làm, rảnh rỗi sinh ra nhậu nhẹt, từ ngày nhận quản lý, bảo vệ rừng, thường xuyên phải đi tuần tra lại có thêm thu nhập nên tình trạng ăn nhậu cũng giảm hẳn. Riêng gia đình anh Y Quyết cũng nhận quản lý bảo vệ 32,5 ha rừng, mỗi năm được Vườn chi trả gần 5 triệu đồng- nguồn thu nhập không nhỏ đối với một hộ gia đình ở xã đặc biệt khó khăn như anh.

Anh Lộc Xuân Nghĩa, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cho hay, việc giao rừng dựa trên tiêu chí gia đình có nhiều lao động, có khả năng đi tuần tra, chưa vi phạm lâm luật… Đặc biệt, từ khi giao rừng cho người dân đồng quản lý, áp lực lên khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở Vườn giảm hẳn, vì  người dân đã nhận thức được bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ nguồn thu nhập lâu dài cho gia đình mình.   

Còn Phó Chủ tịch UBND xã Yang Mao, ông Trần Quang Quân thì không giấu được niềm phấn khởi: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo nên động lực mới cho sự phát triển của địa phương. Với diện tích rừng do xã quản lý và diện tích rừng người dân nhận khoán của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đã tạo ra nguồn thu hơn 2 tỷ đồng một năm, tạo thêm được việc làm cho hơn 50% số hộ trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập và ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Vạn Tiếp 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.