Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu trên đất khó

08:55, 16/11/2014

Ia R’vê và Ya Lốp là hai xã biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp. Người dân nơi đây phần lớn di cư từ các tỉnh: Thanh Hóa, Bến Tre; thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp; trong đó có hơn 50% số hộ nghèo và cận nghèo. Song, nhờ siêng năng, chịu khó lại biết cách làm ăn, nhiều hộ dân nơi đây đã từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đất khó.

Nhìn căn nhà khang trang trị giá tiền tỷ cùng những tiện nghi sinh hoạt hiện đại của gia đình anh Hồ Văn Sông và chị Kiều Kim Hồng (thôn Án, xã Ya Lốp), ít ai tin rằng chỉ cách đây hơn chục năm họ là người dân di cư từ Bến Tre lên đây với hai bàn tay trắng. Đầu những năm 2000, khi Nhà nước có chủ trương di dân theo dự án đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên, được hỗ trợ tiền ăn trong 6 tháng đầu cho 2 người trong mỗi gia đình (200.000 đồng/tháng/người), anh Sông cùng người con trai cả lập tức khăn gói lên đường, chị Hồng và đứa út ở nhà ngày ngày đi làm thuê. Đến Ya Lốp, anh Sông được Binh đoàn 16 giao cho 19 ha đất trồng điều. Khi điều chưa có thu hoạch, anh tận dụng mọi khoảnh đất trống trồng lúa, đậu, bắp “lấy ngắn nuôi dài”. Bước khởi đầu khá thuận lợi, có thức ăn dư thừa, anh vay mượn làm chuồng nuôi lợn thả gà. Năm 2004, anh Sông quyết định đưa cả gia đình lên vùng kinh tế mới, chị Hồng được nhận vào làm hợp đồng ở Trung đoàn 736 (Binh đoàn 16), rồi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ya Lốp. Kinh tế dần ổn định thì trận lũ lịch sử năm 2007 bất ngờ cuốn đi tất cả của vợ chồng anh chị và bà con thôn Án. 40 hộ dân trong diện di dân với gia đình anh chị đợt trước thì quá nửa khăn gói bỏ về quê. Được sự giúp đỡ của Trung đoàn 736 và chính quyền địa phương, anh chị quyết tâm làm lại từ đầu. Được Nhà nước cho vay 12 triệu đồng với lãi suất 0,6%, chị Hồng quyết định mua 3 con bò cái về nuôi, cuối năm ấy đàn bò đẻ được 3 con bê. Chị mạnh dạn trồng cỏ voi chủ động nguồn thức ăn cho bò để đỡ phải đi chăn thả xa nhà. Ba mẹ chị Hồng ở quê, thương các con làm ăn vất vả, đã bán đi công ruộng gửi cho anh chị 20 triệu đồng làm vốn; chị lại mua thêm 5 con bò cái về làm giống. Mỗi năm đàn bò của gia đình chị một nhiều thêm và đã xuất bán cả chục con. Hiện gia đình anh chị có 25 con bò sinh sản, 10 con trưởng thành và 5 con bê; nguồn phân bò dư thừa được gom lại bán cho những ai có nhu cầu, mỗi năm cũng thu được gần 50 triệu đồng. Vừa làm hàng chục héc-ta lúa, đậu lại nuôi hàng chục con bò, vậy mà anh chị vẫn có thời gian đi làm thuê cho người khác. Chị Hồng bộc bạch: “Mình là dân lao động, ngồi yên một chỗ không chịu được, đi làm thuê lấy tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, tiết kiệm được từng nào hay từng ấy phòng khi bất trắc. Gia đình mình vừa mua được mảnh đất ở Bình Dương gần một tỷ đồng, đang chuẩn bị xây mấy chục phòng trọ cho công nhân thuê. Đất ở đây không phụ người đâu, cứ chịu khó là sẽ giàu…”.

Cán bộ Binh đoàn 16 đến thăm gia đình anh Nguyễn Viết Quế. Cán bộ của Binh đoàn 16 hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho người dân thôn 2, xã Ia R'vê.
Cán bộ Binh đoàn 16 đến thăm gia đình anh Nguyễn Viết Quế. 
Vợ chồng anh Nguyễn Viết Quế và chị Hoàng Thị Tuyến cùng quê Thanh Hóa vào Ia R’vê lập nghiệp đến nay vừa đúng 12 năm; hiện anh Quế là tự vệ của Trung đoàn 737 (Binh đoàn 16). Mới ngoài 30 tuổi nhưng nhờ chịu thương chịu khó anh chị đã có trong tay cả trăm triệu đồng. Năm 2013, anh nhận khoán của Trung đoàn 5 ha đất trống để trồng cao su. Được Trung đoàn tập huấn về kỹ thuật lại đầu tư cho vốn và phân bón, gia đình anh chị cần mẫn chăm sóc nên vườn cây phát triển rất tốt. Dưới những hàng cao su, vợ chồng anh Quế còn trồng xen canh bắp, lạc, đậu tương. Hơn 2 ha đất được cấp, anh dành để trồng sắn, ngoài ra anh chị còn nuôi 5 con trâu vỗ béo, cứ được giá lại bán lấy vốn tái đầu tư, mỗi năm cũng thu về khoảng 200 triệu đồng. Thương vợ chồng anh vất vả, bố anh từ Thanh Hóa cũng vào trông nhà, chăm cháu nội để các con yên tâm đi làm. Anh Quế chia sẻ: “Với chúng tôi, Ia R’vê thực sự là quê hương thứ hai của mình. Đất đai nơi đây rất phì nhiêu, trồng trọt hay chăn nuôi đều thuận lợi cả. Hằng năm Trung đoàn 737 vẫn trả công chăm sóc vườn cây (khoảng 10 triệu đồng/ha), cấp phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân mà chưa thu khoán, nhờ vậy chúng tôi rất yên tâm sản xuất, có điều kiện nuôi dạy con cái, mua được bảo hiểm nhân thọ cho các cháu…”.

Cùng hàng xóm với anh Quế, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hồng, Bí thư kiêm Trưởng thôn 2 cũng là người có “của ăn của để”. Là cựu chiến binh của Sư đoàn 868, Quân khu 9 về phục viên, làm ruộng ở Bến Tre mãi vẫn không đủ ăn, năm 2002 anh cùng gia đình lên Dak Lak theo diện di dân. Hiện gia đình anh đang chăm sóc 4,5 ha cao su, sắn, đậu bắp, thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng. Cô con gái lớn của anh chị lấy chồng ở TP. Hồ Chí Minh được cha mẹ phụ tiền mua đất xây nhà. Người con trai thứ hai là Nguyễn Nhựt Trường hiện là công nhân của Trung đoàn. Làm ăn thuận lợi, anh chị đã đưa nhiều anh em họ hàng, làng xóm ở quê lên Dak Lak làm ăn…

Vượt qua những khó khăn, gian khổ và thiếu thốn đủ bề, những người nông dân một nắng hai sương gắn bó với ruộng đồng dần có cuộc sống ấm no, đủ đầy, góp phần tích cực thay đổi diện mạo một vùng biên cương phía Tây của tỉnh.

Nguyễn Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc