Multimedia Đọc Báo in

Ngành Cơ khí "chạy đua" theo mùa thu hoạch cà phê

14:36, 14/11/2014

Dak Lak đang bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2014 – 2015, theo đó, ngành công nghiệp cơ khí cũng đang “chạy đua” để cùng các doanh nghiệp (DN), người nông dân chuẩn bị các nguồn lực máy móc, thiết bị, sẵn sàng cho việc thu hái, chế biến cà phê.

Ngành Cơ khí Dak Lak những năm gần đây có bước phát triển mạnh, các dây chuyền, thiết bị máy móc, kỹ thuật đã phục vụ hiệu quả nhu cầu của ngành cà phê, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến chế biến thành phẩm. Những sản phẩm đã làm nên tên tuổi của cơ khí Dak Lak được các DN chế biến và người trồng cà phê tin tưởng có thể kể đến là dây chuyền thiết bị chế biến cà phê nhân, công suất 3 – 30 tấn nhân/giờ; thiết bị xát khô cà phê, công suất 500 – 1.000 kg/giờ; thiết bị xát tươi cà phê, công suất 2 – 3 tấn quả/giờ; dây chuyền chế biến ướt quy mô nông hộ, công suất 700-1.000 kg/giờ; thiết bị sấy trống công suất 1,5 m3 – 24 m3; thiết bị sấy tháp công suất 6 tấn/mẻ; thiết bị rang, xay cà phê bột; máy hái cà phê; bơm tưới… Thời điểm thu hoạch cà phê thường bắt đầu vào tháng 11 hằng năm, nhưng mùa làm ăn của các DN cơ khí bắt đầu từ tháng 8 – 12 khi các cơ sở sản xuất đều tập trung vào chế tạo, lắp ráp hoặc sửa chữa, bảo dưỡng…các máy móc thiết bị hái, chế biến cà phê phục vụ nông dân và DN sản xuất cà phê.

Chuyển giao quy trình chế biến ướt quy mô nông hộ cho người trồng cà phê ở Krông Năng.
Chuyển giao quy trình chế biến ướt quy mô nông hộ cho người trồng cà phê ở Krông Năng.

Là một trong những DN cơ khí tên tuổi chuyên thiết kế, chế tạo, lắp đặt các loại máy chế biến cà phê và sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nông hộ, trước mùa cà phê năm nay, Công ty TNHH Xuân Hòa đã nhận được nhiều hợp đồng, đơn đặt hàng từ các DN, hộ nông dân. Đơn vị đã đưa hàng chục kỹ sư, công nhân đến các địa phương lắp đặt dây chuyền thiết bị cho Công ty TNHH MTV cà phê Phước An, công suất 50 tấn/ngày, Công ty TNHH thương mại Anh Tuấn (huyện Krông Pak), 50 – 100 tấn/ngày, Công ty Cổ phần sản xuất, chế biến, tư vấn kỹ thuật và xuất nhập khẩu Hùng Vinh (TP. Hồ Chí Minh), 150 tấn/ngày, Công ty Cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu An Phong (Dak Nông), 250 tấn/ngày. Bên cạnh đó, do số lượng đặt hàng sản phẩm máy chế biến cà phê quả tươi, công suất 1 – 1,2 tấn quả/giờ từ các hợp tác xã, hộ nông dân tăng đột biến, công ty phải bố trí công nhân làm tăng ca đến 10 giờ đêm và cả ngày chủ nhật. Ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc công ty cho biết, bước vào vụ cà phê năm nay, nông dân có xu hướng mua máy chế biến cà phê quả tươi thay cho chế biến khô theo kiểu truyền thống, nên đơn vị sản xuất ra bao nhiêu sản phẩm đều tiêu thụ hết bấy nhiêu. Tương tự, anh Phạm Văn Huy, chủ xưởng cơ khí Quốc Huy (xã Hòa Thuận – TP. Buôn Ma Thuột) cũng cho hay, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, các loại sản phẩm do cơ sở sản xuất ra đều bán hết, trong đó, nhiều nhất là các loại máy bóc vỏ cà phê tươi và khô, thậm chí, có khi hàng vừa làm khô sơn là phải giao ngay, tiếc là do diện tích nhà xưởng nhỏ nên sản xuất không kịp để bán cho khách hàng.

Trong khi đó, nhu cầu mua sắm dụng cụ hái cà phê cũng tăng mạnh thời gian gần đây. Anh Hà Thanh Long, chủ cơ khí Vinh Long (đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch, nắm bắt được nhu cầu của người trồng cà phê, từ đầu năm đến nay, cơ sở đã đẩy mạnh sản xuất mặt hàng máy hái cà phê, đến thời điểm này, lượng tiêu thụ tăng khoảng 20% so với vụ cà phê trước. Nhờ ưu thế hái máy giảm chi phí 10 triệu đồng/ha so với hái thủ công nên mặt hàng này được nhiều nông dân tìm mua để giảm áp lực nhân công, nên chỉ ít ngày nữa là cơ sở sẽ tiêu thụ hết sản phẩm.

Về phía người trồng cà phê như ông Thái Ngọc Hồ (thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), vụ cà phê này ông đã tích lũy được ít vốn và đang tìm mua máy tách vỏ cà phê tươi công suất 1 tấn quả/giờ để chế biến lượng cà phê từ 3 ha của gia đình đang bước vào thu hoạch. Cũng như ông, người nông dân đang có xu hướng sử dụng máy tách vỏ cà phê tươi nhiều hơn so với tách khô nhằm tăng chất lượng cà phê sau chế biến, nên các cơ sở sản xuất cơ khí cũng tăng số lượng mặt hàng này nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Không chỉ người trồng cà phê trong tỉnh, nhiều nông dân tại các tỉnh Dak Nông, Lâm Đồng… cũng đến Dak Lak để tìm mua các loại máy móc, thiết bị phục vụ thu hoạch, chế biến cà phê khiến cho thị trường máy nông cơ thực sự sôi động.

Ông Nguyễn Văn Phan, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Dak Lak cho biết, sản phẩm máy móc, thiết bị phục vụ thu hoạch, chế biến cà phê của các DN, cơ sở sản xuất trong Hội năm nay tăng hơn 15 – 20% so với niên vụ trước nhờ giá cà phê nhân thời điểm này cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng quan trọng hơn là các sản phẩm cơ khí của Dak Lak luôn có chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm nương rẫy và tâm lý người tiêu dùng địa phương mà giá lại thấp hơn nhiều lần so với hàng nhập ngoại…

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.