Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay
Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi mà nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) có điều kiện đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, thực hiện các mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả thiết thực, vươn lên thoát nghèo bền vững.
ng Lưu Trọng Quý (ở thôn Hiệp Hưng) không giấu nổi niềm vui khi vụ cà phê năm nay cho năng suất chất lượng cao. Ông Quý phấn khởi: “Năm 2007, nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, gia đình tôi được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar. Có vốn, gia đình đầu tư cải tạo 7 sào cà phê cằn cỗi, đồng thời trồng xen canh thêm 350 trụ tiêu. Nhờ chăm sóc tốt, sau 2 năm đã thu cà phê bói được 8 tạ, trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục vay thêm 9 triệu đồng từ quỹ của Hội Nông dân để chăn nuôi dê và bò. Đến nay gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng được cơ ngơi khang trang. Với mô hình kinh tế tổng hợp này, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng”.
Ông Lưu Trọng Quý bên vườn cà phê được tái canh nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. |
Rời quê hương vào định cư tại thôn Hiệp Đoàn từ năm 2007 với 2 bàn tay trắng, bà Hoàng Thị Để chỉ biết đi làm thuê để trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học. Năm 2009 bà được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và 4 triệu đồng từ quỹ của của Hội Nông dân, đồng thời được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản do Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức. Bà đã mua một cặp bò lai sind về nuôi, sau 1 năm chăm sóc, 2 con bò giống phát triển tốt, cho ra đời 2 con bê. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bà Để tiếp tục nhân rộng đàn bò của gia đình để tích góp thêm vốn đầu tư sản xuất, 2 năm sau đó bà đã trả hết nợ ngân hàng và mua thêm được 1 ha đất để trồng cà phê. Bà Để chia sẻ: “Nuôi bò lai sind không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật, đặc biệt cần chú ý đến nguồn thức ăn dự trữ trong mùa khô, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để vỗ béo đàn bò. Đồng thời phải bảo đảm vệ sinh chuồng trại thường xuyên và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bò mẹ khi mang thai. Đối với mỗi lứa bê con, chỉ cần áp dụng đúng quy trình chăm sóc thì chỉ sau 8-9 tháng có thể xuất chuồng, bán được giá từ 16 – 18 triệu đồng/con”. Nhờ cách làm hiệu quả, đến nay gia đình bà Để duy trì được 10 con bò giống và thu được sản phẩm từ diện tích cà phê mới trồng. Với nguồn thu ổn định, mỗi năm có trên 80 triệu đồng đã trừ chi phí, gia đình bà đã vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo của xã.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi làm “bàn đạp” để đầu tư phát triển sản xuất mà hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn xã Quảng Hiệp đã có cuộc sống ổn định hơn. Ông Lê Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Để các nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, những năm qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để họ có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Hội Nông dân xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên nông dân vay 5,2 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu cho vay vốn dành cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách… Song song với việc giúp hội viên nghèo tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề, Trạm khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật của huyện và các công ty phân bón thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất… Đồng thời, vận động nhân dân tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn để trang bị kiến thức, kỹ năng sản xuất đạt hiệu quả cao. Từ những hoạt động đó đã giúp rất nhiều hội viên có thêm vốn để mở rộng sản xuất, trồng trọt chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc