Multimedia Đọc Báo in

Thu phí môi trường đối với nước thải công nghiệp: Từ quy định đến thực tế - vẫn còn nhiều vướng mắc

10:54, 25/11/2014

Theo quy định của Chính phủ, từ 1-7-2013, các tổ chức, cá nhân xả nước thải công nghiệp (NTCN) ra môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường (PBVMT). Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai quy định này trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc.

Một số cơ sở sản xuất còn lẩn tránh việc đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (ảnh minh họa).
Một số cơ sở sản xuất còn lẩn tránh việc đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (ảnh minh họa).
Ngày 29 - 3 - 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2013/NĐ-CP, về PBVMT đối với nước thải, trong đó, NTCN từ các cơ sở sản xuất, chế biến phải đóng PBVMT theo 2 nhóm: đối với nước thải không chứa kim loại nặng bao gồm mức phí cố định theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường (tối đa không quá 2,5 triệu đồng/năm) cộng với phí biến đổi 1.000 - 3.000 đồng/kg chất ô nhiễm (COD) và 1.200 - 3.200 đồng/kg chất rắn lo lửng (TSS); đối với nước thải chứa kim loại nặng, được tính theo mức phí cố định kể trên nhân với hệ số tính phí theo khối lượng nước thải chứa kim loại nặng và cộng với phí biến đổi chất ô nhiễm COD và TSS. Ngay sau khi có nghị định trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp như phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về PBVMT đối với NTCN đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, chế biến để phân loại đối tượng nộp phí; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở kê khai và nộp phí theo quy định…
Lò giết mổ gia súc tập trung là đối tượng phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Lò giết mổ gia súc tập trung là đối tượng phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Kết quả trong năm 2013, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) đã tiếp nhận, thẩm định 38 lượt tờ khai và ra thông báo nộp phí tổng số tiền gần 80 triệu đồng, riêng từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận, thẩm định 38 lượt tờ khai và thu phí được hơn 238 triệu đồng. Tuy nhiên, con số này so với tổng số cơ sở sản xuất thực tế vẫn còn rất nhỏ, vì có nhiều cơ sở cố tình lẩn tránh, chây ỳ thực hiện nghĩa vụ nộp phí; số cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên biến động do giải thể, ngừng hoạt động, dẫn đến khó khăn trong việc điều tra, cập nhật của cơ quan chức năng. Ngoài ra, việc giám định chất thải cũng chưa chính xác, khách quan do Chi cục chưa được bố trí kinh phí, phương tiện thực hiện, nên việc thẩm định, ra thông báo nộp phí chỉ dựa vào kết quả quan trắc, phân tích môi trường của cơ sở. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định này cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do sự khập khiễng giữa quy định và thực tiễn, theo phân tích của cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều hộ chăn nuôi, giết mổ quy mô nhỏ lẻ, lượng nước thải phát sinh từ hoạt động này dưới 10 m3/ngày, bởi vậy việc áp dụng mức thu cố định 1,5 triệu đồng/năm theo Thông tư liên tịch số 63/2013/TTLT/BTC-BTNMT, hướng dẫn thực hiện Nghị định 25 đối với trường hợp này là không khả thi và bị các cơ sở phản đối, vì thông tư chỉ quy định mức dưới 30 m3/ngày là chưa phù hợp. Không những thế, việc xác định quy mô các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung để xác định mức phí là rất khó, do nội dung Nghị định 25 không làm rõ khái niệm “tập trung” là như thế nào. Trường hợp khác là hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản là đối tượng nộp phí BVMT, tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy phần lớn các cơ sở này chỉ phát sinh nước thải ở mức 1 – 2 m3/ngày, nên việc thu phí là không phù hợp.
 
Bên cạnh đó, theo Công văn 2239/TCMT-KSON, ngày 26-12-2013 của Tổng cục Môi trường hướng dẫn thực hiện các quy định về PBVMT đối với nước thải nêu rõ: việc xác định “lượng nước thải trung bình trong năm để tính phí của các cơ sở sản xuất, chế biến hoạt động theo mùa vụ được tính bằng tổng lượng nước thải ra trong cả năm chia cho 365 ngày” là không hợp lý, bởi trường hợp chế biến cà phê theo công nghệ chế biến ướt, cơ sở chỉ hoạt động tối đa 2 tháng/năm, lượng nước thải phát sinh lớn (10.000 m3/vụ), nhưng tính theo hướng dẫn trên thì lượng nước thải phát sinh chỉ ở mức hơn 27 m3/ngày nên không phải chịu phí. Những trường hợp trên, cơ quan chức năng không thể thu được phí, khiến địa phương thất thu một nguồn ngân sách lớn phục vụ cho công tác bảo vệ, khắc phục ô nhiễm môi trường. Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, để khắc phục những bất cập trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn cụ thể, cũng như có các quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương trong việc thu PBVMT, đồng thời, cần bố trí kinh phí để thực hiện việc giám định, thẩm định chất thải…

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc