Multimedia Đọc Báo in

"Bơm" vốn cho doanh nghiệp: Những vấn đề đặt ra

09:47, 23/12/2014
Từ đầu năm đến nay, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt được những kết quả khả quan. Các chính sách điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn vay.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, trong năm 2014, tổng huy động vốn trên địa bàn tỉnh đạt trên 25 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND, USD của cá nhân, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, cuối tháng 10 vừa qua, NHNN kêu gọi các ngân hàng thương mại Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống mức tối đa 10%/năm; tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay (kể cả các khoản cho vay cũ) về mức dưới 13%/năm. Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013. Với nguồn lực về vốn cùng những chính sách như trên đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng “bơm” vốn cho doanh nghiệp. Đáng chú ý là trên địa bàn tỉnh, vốn vay cho thành phần kinh tế tư nhân, cá thể lên đến 31.764 tỷ đồng (chiếm 70,4% tổng vốn vay). Đây là tín hiệu tốt khi mà khối DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nên chính sách hạ lãi suất rõ ràng đã tác động rất lớn đến các DN trong tỉnh.

Sản phẩm chờ  xuất bán  tại  Công ty  Cổ phần Mía đường 333.
Sản phẩm chờ xuất bán tại Công ty Cổ phần Mía đường 333.

Tác động tích cực đối với DN là rõ ràng, nhưng cũng phải thấy rằng, việc hấp thụ vốn của DN trên địa bàn vẫn chưa được như kỳ vọng do năng lực của các DN chưa đáp ứng được yêu cầu do các ngân hàng đặt ra. Hiện các DN đang rất khó khăn với sự sụt giảm giá trị của tài sản đảm bảo là bất động sản (khoảng từ 20-50%). Các ngân hàng thường buộc DN phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo để được duy trì hạn mức tín dụng hoặc được vay mới. Nhiều DN cho biết đây là điều kiện rất khó khăn vì phần lớn tài sản của họ đã thế chấp hết cho ngân hàng. Để bảo đảm an toàn vốn, một số ngân hàng thừa nhận khó giảm mạnh lãi suất cho vay trung, dài hạn vì rủi ro cao. Không thể đẩy mạnh cho vay DN, vốn trung, dài hạn chủ yếu dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở, vay tiêu dùng, trả góp trong vài năm, thậm chí lên đến hàng chục năm nên lãi suất cho vay luôn được các ngân hàng áp dụng ở mức cao nhất có thể.

Bên cạnh việc nhìn nhận thực tế là ngân hàng quá thận trọng, co cụm, bảo thủ trong việc cấp vốn tín dụng, thì thủ tục vẫn còn phức tạp và hệ số xếp hạng khách hàng khắt khe của ngân hàng là nguyên nhân khiến nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn. Theo đại diện một ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn tỉnh, DN cần sớm định hướng hoạt động tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như ngành hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, DN khoa học và công nghệ, DN sản xuất sản phẩm công nghệ cao, DN chế biến nông sản xuất khẩu… thì việc tiếp cận vốn sẽ dễ hơn rất nhiều. Thực tế là nguồn vốn phân bổ cho những lĩnh vực này vẫn chưa cao, chẳng hạn tỷ trọng vốn vay ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 28,1%; ngành công nghiệp – xây dựng chỉ chiếm 17% tổng vốn vay. Một phương án khác được các ngân hàng đưa ra là cho vay qua DN đầu mối liên kết nghiên cứu - sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Hoặc cho vay theo mô hình bảo lãnh tín dụng trọn gói không cần tài sản đảm bảo, mô hình tín dụng kích cầu có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ… nhưng vẫn chưa được các DN trên địa bàn tỉnh xác định là ưu thế của mình. 

Có thể thấy, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng và cộng đồng DN, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để giải quyết những “rào cản” về thị trường, đất đai, công nghệ, đào tạo… đặc biệt cần có giải pháp tháo gỡ rào cản về thể chế và minh bạch hóa thông tin, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng. Lúc ấy sẽ định hướng được DN vào việc khai thác, phát huy thế mạnh của mình và chắc chắn dòng vốn tín dụng sẽ được “thông” nhanh hơn.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.