Multimedia Đọc Báo in

Chất lượng cà phê xuất khẩu: Vẫn còn đó nỗi lo

09:46, 23/12/2014
Từ tháng 3-2014 đến nay, giá cà phê nhân ổn định trên dưới 40.000 đồng/kg, giúp người trồng cà phê yên tâm sản xuất. Hoạt động xuất khẩu vì vậy cũng gặp nhiều thuận lợi: Niên vụ 2013-2014, toàn tỉnh xuất khẩu được 229.988 tấn, đạt kim ngạch 479,775 triệu USD, tăng 3,5% so với niên vụ trước.
 
Cà phê của Dak Lak hiện xuất khẩu hơn 60 thị trường trên thế giới, trong đó một số thị trường Đức đạt kim ngạch cao như: Đức (65,5 triệu USD), Nhật Bản (53 triệu USD), Thụy Sĩ (43,4 triệu USD), Ý (42,2 triệu USD). So với niên vụ trước, kim ngạch xuất khẩu niên vụ cà phê 2013-2014 tăng mạnh nhất là Thụy Sĩ và Ý, còn thị trường giảm mạnh nhất là Trung Quốc.
Người dân ở huyện Krông Pak thu hoạch cà phê.
Người dân ở huyện Krông Pak thu hoạch cà phê.

Những năm gần đây, người trồng cà phê cũng như doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dần chú trọng nâng cao chất lượng cà phê, cùng với sự hỗ trợ của UTZ certified, 4C, RFA, FT diện tích cà phê có chứng nhận tăng với 40.959  hộ nông dân tham gia trên diện tích 61.458 ha, tổng sản lượng đạt 272.153 tấn. Đến nay, 50% diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp ký kết xây dựng vùng nguyên liệu, quy trình phát triển cà phê bền vững, từ đó hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết giữa các hộ nông dân trồng và chế biến cà phê. Mối liên kết này góp phần giúp người trồng cà phê tiếp cận nhanh chóng với quy trình sản xuất, chế biến cà phê bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, 80% diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh là của nông hộ nên việc nâng cao chất lượng, hướng tới sản xuất bền vững đối với ngành cà phê  luôn gặp những khó khăn, trở ngại. Hiện tại, phương pháp thu hoạch chủ yếu là tuốt cành nên quả xanh, chín lẫn lộn dẫn đến chất lượng chế biến bị ảnh hưởng, tỷ lệ giảm tổn thất sau thu hoạch cao. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích cà phê của tỉnh đã già cỗi nên năng suất thấp, quả nhỏ, không đều, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê xuất khẩu. Ngoài ra, hiện tại không ít diện tích cà phê của tỉnh phát triển không theo quy hoạch, đất không phù hợp, thiếu nước cũng là một trong những tồn tại khó tháo gỡ của ngành cà phê hiện nay.

Theo kế hoạch chương trình tái canh cà phê của tỉnh giai đoạn 2013-2020, bình quân mỗi năm thực hiện tái canh khoảng 4.000 ha, nhưng năm 2014, diện tích chỉ đạt khoảng 2.500 ha. Khó khăn trong tái canh cà phê chính là xuất phát từ quy mô sản xuất của tỉnh chủ yếu nông hộ, trong khi vai trò liên kết 4 nhà chưa thực sự được phát huy nên manh mún khó có thể triển khai đồng bộ các giải pháp. Niên vụ cà phê 2013-2014 khép lại với những con số được xem là thành công của ngành cà phê Dak Lak, niên vụ cà phê 2014-2015 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, hứa hẹn nhiều thuận lợi, nhưng xem ra việc giải quyết tận gốc rễ những yếu kém của ngành cà phê tồn tại trong suốt nhiều năm qua vẫn thiếu những giải pháp mang tính đột phá. Và câu chuyện về nâng cao chất lượng, giá trị cà phê xuất khẩu vì vậy dường như chưa bao giờ cũ, chắc chắn sẽ lại được tiếp tục bàn thảo trong những niên vụ cà phê tiếp theo…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.