Giá xăng, dầu giảm mạnh: Cần có giải pháp mạnh để hàng hóa khác giảm giá
Giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh là một động thái tích cực, tác động lớn tới nền kinh tế và giá cả hàng hóa. Giá dịch vụ vận tải sẽ phải giảm là dễ nhận thấy nhất, kéo theo giá các hàng hóa khác phải giảm theo. Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là giá xăng đã giảm mạnh (mặt bằng thị trường xăng dầu đã ở mức rẻ chưa từng có trong vòng 4 năm nay), nhưng hầu hết giá hàng hóa nói chung vẫn không giảm và người dân vẫn đang phải gánh chịu sự không bình thường này. Thực tế là, ngoại trừ cước taxi có giảm chút ít, giá cả hàng hóa hầu hết đều không giảm, thậm chí có nhiều mặt hàng lại còn tăng giá. Đặc biệt hàng lương thực, thực phẩm vẫn biến động tăng lên và nhất là giá điện, nước đã tăng và còn đang kiến nghị tăng thêm... Theo Sở Công thương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cuối năm nhóm giao thông đã giảm 2,87%, nhưng giá các sản phẩm khác vẫn không có chuyển biến. Chẳng hạn, giá các loại gạo hiện đang ở mức từ 11.000-18.500 đồng/kg; giá thép xây dựng các loại từ 16.000-16.200 đồng/kg, giá xi măng ở mức 1.800.000-1.820.000 đồng/tấn... Đây là giá cả của các mặt hàng thiết yếu với đời sống người dân; giá cả leo cao là điều hết sức vô lý trong bối cảnh giá xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu "đầu vào" của sản xuất hàng hóa liên tục giảm sâu. Sự bất cập của hệ thống giá cả thể hiện việc điều tiết, quản lý của Nhà nước chưa theo kịp với thị trường.
Khách hàng đang mua sắm tại Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột. |
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính vừa có công văn 18757/BTC-QLG gửi Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô. Công văn nêu rõ, trước việc giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu (tính đến ngày 22-12-2014 giá xăng đã giảm 6.330 đồng/lít, giá dầu đã giảm 5.970 đồng/lít so với đầu năm 2014), bên cạnh những doanh nghiệp vận tải bằng xe ôtô đã thực hiện giảm giá cước vận tải và kê khai giá với Sở GTVT và Sở Tài chính địa phương, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải ôtô chưa thực hiện kê khai giảm cước theo xu hướng giảm giá xăng dầu. Để tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước tại địa phương. Đối với các đơn vị chưa thực hiện kê khai giảm giá cước, có văn bản yêu cầu các đơn vị này phải tính toán lại giá thành vận tải và kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đây có thể xem là biện pháp kịp thời, bởi vận tải là dịch vụ liên quan trực tiếp đến xăng dầu, nếu kiểm soát tốt giá cước vận tải thì mặt bằng giá hàng hóa chắc chắn sẽ hạ xuống.
Người dân đang mua bán tại Chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột. |
Rõ ràng, xét đến cùng thì nếu giá cả không giảm thì người tiêu dùng không thể mạnh tay chi tiêu, cơ hội để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sẽ bị hạn chế. Do vậy cùng với công văn của Bộ Tài chính, các cơ quan quản lý địa phương (nơi giám sát trực tiếp mặt bằng giá) cần vào cuộc một cách quyết liệt để các loại hàng hóa trở về với giá trị thực của nó.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc