Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào cho cây tiêu phát triển bền vững?

20:41, 14/12/2014

Hồ tiêu Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi nông dân trồng ồ ạt làm vỡ quy hoạch, dịch bệnh tăng cao, dẫn đến nguy cơ mất thị trường tiêu thụ...

Dịch bệnh tăng gần 7 lần so với năm 2013

Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2013 toàn tỉnh chỉ có 201,8 ha tiêu bị bệnh, trong đó bệnh vàng lá chết nhanh 106,7 ha, vàng lá chết chậm 96,1 ha, rệp sáp hại rễ 19 ha, thì từ đầu năm đến nay đã có 1.353 ha tiêu bị bệnh, tăng 6,7 lần. Đáng lo ngại là bệnh vàng lá chết nhanh (570,68 ha, tăng 356,7% so với năm 2013), vàng lá chết chậm (713,2 ha, tăng 743%), rệp sáp hại rễ (37,8 ha, (tăng 199%). Đặc biệt, trong năm 2014, cây tiêu xuất hiện thêm bệnh virus với diện tích 21,9 ha và rụng quả non 9 ha. Mức độ thiệt hại cũng tăng cao khi năm 2013 chỉ có 0,7 ha mất trắng thì năm nay tăng lên 150 ha. Ông Đinh Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cho biết, trước đây bệnh chết nhanh chết chậm chủ yếu diễn ra ở những vườn tiêu kinh doanh vào tầm tháng 7 – 8 hằng năm với mức độ nhẹ, nhưng năm nay ngay từ tháng 3 đã xuất hiện rải rác những vườn tiêu bị bệnh, đến giữa mùa mưa thì hiện tượng tiêu chết hàng loạt xảy ra trên diện rộng với mức độ nặng, bà con gần như mất kiểm soát, bỏ mặc vườn tiêu không chăm sóc khiến dịch bệnh bùng phát dữ dội hơn. Điều đáng nói là không chỉ tiêu kinh doanh mà cả những vườn tiêu mới trồng đầu năm 2014, cuối giai đoạn kiến thiết cơ bản cũng bị bệnh khiến mức độ thiệt hại kinh tế rất lớn.

Một vườn tiêu kinh doanh tại xã Ea Ning (Cư Kuin.)
Một vườn tiêu kinh doanh tại xã Ea Ning (Cư Kuin)

Theo lý giải của các nhà khoa học, giá tiêu tăng cao khiến người dân đua nhau trồng chỉ là một phần nguyên nhân, cái lớn nhất cần phải tháo gỡ hiện nay là một số bà con chưa nắm rõ về đặc tính của cây tiêu, làm theo kinh nghiệm của gia đình, áp dụng kỹ thuật canh tác cây cà phê lên cây tiêu: đào hố sâu, tưới nước nhiều, nên khi gặp trời mưa trong thời gian dài, cây không thể thoát nước nên bị nhiễm bệnh. Đặc biệt một số bà con vẫn còn suy nghĩ xào xáo vườn tiêu thường xuyên để tiêu diệt cỏ dại, làm cho đất tơi xốp…, nhưng chính việc chăm sóc chưa đúng kỹ thuật đó khiến bộ rễ cây tiêu bị ảnh hưởng, đứt gãy, xây xước trở thành mối tiếp xúc, xâm nhập của các loại nấm, vi khuẩn gây bệnh.

Còn nhiều việc phải làm

Việt Nam là quốc gia có sản lượng tiêu cao nhất thế giới với nguồn thu hằng năm khoảng 1 tỷ USD nhưng đến nay vẫn chưa có một chương trình chuẩn để tạo ra giống tiêu một cách hệ thống nên phần lớn người dân vẫn phải mua giống trôi nổi kém chất lượng, một số cây giống bị nhiễm bệnh từ trong vườn ươm khiến cho dịch bệnh bùng phát, lây lan nhanh. Vì vậy việc sử dụng giống sạch bệnh là yếu tố quan trọng để nâng cao tính hiệu quả bền vững cho cây tiêu.

Vườn tiêu trồng trụ sống có lợi thế về chiều cao nên có thể cho năng suất  cao, đồng thời hạn chế được dịch bệnh ở tiêu. Trong ảnh: Một mô hình tiêu xen canh cà phê tại huyện Krông Năng.
Vườn tiêu trồng trụ sống có lợi thế về chiều cao nên có thể cho năng suất cao, đồng thời hạn chế được dịch bệnh ở tiêu. Trong ảnh: Một mô hình tiêu xen canh cà phê tại huyện Krông Năng.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tại các tỉnh Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai thì cây tiêu trồng trên các trụ sống trong những năm đầu sinh trưởng chậm hơn so với trụ gỗ, bê tông nhưng vào thời kỳ kinh doanh năng suất ổn định hơn, ít bị kiệt sức, rụng quả non... Các vườn tiêu có trụ sống có lợi thế về chiều cao trụ nên có thể tăng năng suất ngang bằng với các loại trụ khác. Riêng bệnh chết nhanh thì trên 50% diện tích vườn tiêu trồng trụ chết bị bệnh với tỷ lệ cây bệnh gần 12%, trong khi đó chỉ có 6,5% diện tích vườn tiêu trồng trụ sống bị bệnh với tỷ lệ 4,7%, những vườn cây trồng trụ hỗn hợp thì con số này là 38,2%, nhưng tỷ lệ cây bệnh chỉ chiếm 2,6%. Hiện tại các loại trụ sống được trồng phổ biến là cây lồng mức, keo dậu, mít, muồng cườm, vông gai, anh đào giả, gòn giả… Với kỹ thuật sử dụng dây thân thay dây lươn thì bà con nên trồng trụ gỗ tạm thời hoặc trồng trụ sống trước 1-2 năm, nên trồng xen trong vườn cà phê hạn chế sự lây lan dịch bệnh vừa cho hiệu quả kinh tế cao lại không tranh chấp quỹ đất với các loại cây trồng khác.

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phân tích, ở Ấn Độ, Malaysia người dân vẫn trồng tiêu nhưng không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích nên năng suất tuy thấp hơn Việt Nam nhưng môi trường đất được bảo đảm, dịch bệnh có xảy ra nhưng mức độ nhẹ, ít có trường hợp tiêu kinh doanh chết cả vườn nên thu nhập của người dân ổn định. Ở Việt Nam muốn phát triển cây tiêu bền vững người dân nên thay đổi tư duy trồng cho có, khi nào tiêu bị bệnh thì xịt thuốc bằng việc chủ động phòng bệnh ngay từ đầu với các giải pháp tổng hợp như: sử dụng giống sạch bệnh, thường xuyên bổ sung phân bón hữu cơ, sử dụng các chế phẩm vi sinh, làm mương thoát nước ngay từ khi lập vườn. Ông cũng khuyến cáo cho người nông dân, những vườn tiêu trồng trên đất bằng phẳng thì vào mùa mưa nên vun gốc, mùa nắng sử dụng cỏ dại để che phủ gốc cây, áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến kết hợp với bón phân, thuốc bảo vệ thực vật trực tiếp vào gốc với lượng nước nhỏ…

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc