Multimedia Đọc Báo in

Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kô Tam: Tạo việc làm cho nhiều lao động

10:15, 22/12/2014

Không chỉ góp phần bảo tồn truyền thống, bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Êđê, Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kô Tam (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) còn tạo việc làm giúp nhiều người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Mặc dù đã tốt nghiệp trung cấp ngành quản lý đất đai, thế nhưng chị H’Nương Byă (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) phải ở nhà phụ gia đình đi làm nương rẫy vì không xin được việc làm theo đúng ngành học. Đến đầu năm 2014, qua sự giới thiệu của một người quen, chị H’Nương xin vào làm phụ bếp trong Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kô Tam (Khu du lịch Kô Tam). Chỉ sau 6 tháng làm việc, với năng khiếu nấu nướng và cách bày biện, trang trí món ăn đẹp mắt nên chị đã được đề cử làm phó bếp. Bây giờ, chị đã có nguồn thu nhập ổn định với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Chị H’Nương tâm sự: “Trước đây, khi chưa xin được việc làm thì ai thuê gì mình làm đấy, do đó cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi được nhận vào làm việc tại Khu du lịch Kô Tam thì kinh tế cũng khá hơn nhiều”. Với chị H’Yên Niê (buôn K’mrơng Prơng B, xã Ea Tu), sau khi tốt nghiệp lớp 12, do không có việc làm ổn định nên chị đã đăng ký đi xuất khẩu lao động, hơn 4 năm làm việc ở xứ người, trở về quê hương thấy Khu du lịch Kô Tam tuyển lao động, chị xin vào làm lễ tân. Vì chưa được học qua các lớp đào tạo nghiệp vụ lễ tân cũng như không có kinh nghiệm nên trước khi làm chính thức, chị được cử đi đào tạo trong thời gian 3 tháng. Sau đó chị H’Yên đã gắn bó với công việc lễ tân gần 2 năm nay, có nguồn thu nhập đều đặn hằng tháng để lo cho cuộc sống gia đình.
Các nhân viên nhà bếp đang chuẩn bị thức ăn phục vụ du khách.
Các nhân viên nhà bếp đang chuẩn bị thức ăn phục vụ du khách.

Được thành lập từ tháng 3-2013 đến nay, Khu du lịch Kô Tam đã tạo việc làm cho gần 100 lao động với các công việc chủ yếu như tiếp viên, nấu ăn, làm vườn, hướng dẫn viên du lịch…, trong đó, phần đông là lao động nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn là những người nông dân chỉ quen với công việc nương rẫy hay quanh quẩn việc nhà, nhưng khi được nhận vào làm việc, sau 2-3 tháng đào tạo nghề, họ đã biết làm du lịch và dần trở thành những “chuyên gia” trong việc chăm sóc cây cảnh, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, nấu những món ăn dân dã, truyền thống của đồng bào mình… Điều đáng nói ở đây là họ đã có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình và chi phí học tập cho các con. Chị Đỗ Thị Trang (khối 4, phường Tân Hòa) phấn khởi nói, khi được vào làm ở Khu du lịch Kô Tam chị rất mừng, bởi với nguồn thu nhập 3,5 triệu đồng mỗi tháng, chị Trang đã có điều kiện chăm lo cho 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Bây giờ chị đã bớt đi nỗi lo không có việc làm trong những ngày mưa gió, bởi trước đây do không có đất sản xuất nên chị chủ yếu đi làm thuê, thu nhập rất bấp bênh.

Để người lao động yên tâm làm việc, từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho 5 nhân viên xây dựng nhà ở dưới hình thức cho mỗi người mượn 10 triệu đồng không tính lãi. Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kô Tam cho biết: “Hầu hết các lao động của Công ty đều là người dân sinh sống ở khu vực buôn Kô Tam, K’mrơng Prơng B (xã Ea Tu) và phường Tân Hòa, cuộc sống của họ  khá khó khăn nên để khuyến khích, động viên người lao động gắn bó với đơn vị, Công ty đã tạo mọi điều kiện từ việc dạy nghề đến thực hiện đầy đủ các chính sách cho người lao động như đóng bảo hiểm, trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động, thăm hỏi động viên người lao động trong lúc ốm đau hay tặng quà cho công nhân trong các dịp lễ, Tết”.

Sự ra đời của Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kô Tam đã góp phần đáng kể vào việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mong rằng trong thời gian tới, khi đơn vị tiếp tục xây dựng, mở rộng các loại hình dịch vụ du lịch sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số, phát huy tốt nguồn lao động dồi dào tại địa phương.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bám sát nhu cầu để đào tạo nghề hiệu quả
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện Buôn Đôn chú trọng triển khai gắn với nhu cầu thực tiễn của người dân. Đây là cơ sở quan trọng để tạo việc làm, giúp người dân có thêm thu nhập, thúc đẩy xoá đói giảm nghèo ở địa phương.