Multimedia Đọc Báo in

Kiểm soát tải trọng phương tiện: Quản lý chặt từ đầu mối bốc xếp hàng hóa

10:30, 24/12/2014

Từ đầu tháng 4-2014, các địa phương trên phạm vi cả nước đã đồng loạt triển khai kế hoạch kiểm soát tải trọng phương tiện, đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng phương tiện vận tải đường bộ chở quá tải trọng vẫn diễn biến phức tạp, mà nguyên nhân chủ yếu do các chủ hàng, các đơn vị bốc xếp hàng hóa thực hiện xếp hàng lên phương tiện vượt tải.

Công ty TNHH Vận tải An Phước là một trong những doanh nghiệp vận tải hàng hóa có số đầu xe lớn của tỉnh.
Công ty TNHH Vận tải An Phước là một trong những doanh nghiệp vận tải hàng hóa có số đầu xe lớn của tỉnh.
Báo cáo tại Hội nghị ký cam kết không xếp hàng quá tải trọng cho phép vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột nêu rõ: Tình trạng xe chở hàng quá tải trọng là một trong những nguyên nhân chính gây mất an toàn giao thông, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đồng thời làm hư hỏng nhanh kết cấu các công trình cầu đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa cũng như sinh hoạt, đời sống hằng ngày của người dân. Tỉnh Dak Lak hiện có trên 7.800 km chiều dài các tuyến giao thông, riêng quốc lộ chiếm khoảng 398 km, tỉnh lộ chiếm 460 km, còn lại hơn 6.994 km là đường huyện, xã. Trong hệ thống giao thông của Dak Lak, giao thông đường bộ đóng vai trò chủ đạo do đó trong những năm qua tỉnh đã đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này, là động lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà phát triển. Nhưng bên cạnh những điều kiện thuận lợi, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong công tác bảo đảm trật tự ATGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, phải kể đến sự gia tăng nhanh chóng của các loại phương tiện cơ giới đường bộ. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nhiều năm trở lại đây, số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký mới ở Dak Lak tăng rất nhanh, bình quân mỗi năm có trên 30 nghìn phương tiện giao thông cá nhân đăng ký mới và dự báo đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có khoảng 33.000 ôtô, 1 triệu mô tô, xe máy và trên 50 nghìn máy cày tay, máy kéo nhỏ. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1 triệu phương tiện các loại, trong đó ôtô 32.933 chiếc, mô tô 971.829 chiếc và 71.810 máy kéo. Đây chỉ là số lượng xe đăng ký tại các địa phương mà lực lượng chức năng thống kê được, trên thực tế con số này còn lớn hơn rất nhiều.
Xe tải chờ bốc hàng tại Bến xe TP. Buôn Ma Thuột.
Xe tải chờ bốc hàng tại Bến xe TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nếu một công trình giao thông làm tốt về chất lượng, duy tu bảo dưỡng thường xuyên thì tuổi thọ sẽ kéo dài từ 10 đến 12 năm, ngược lại, một số công trình mới đưa vào sử dụng, do tình trạng xe chở quá tải chỉ được 1 đến 2 năm đã bị xuống cấp, phải tái đầu tư. Mặt khác, việc chở quá tải trọng tạo nên sự phân bố tỷ trọng không hợp lý giữa các phương thức vận tải. Hiện tại, cả nước có 5 phương thức vận tải gồm đường bộ, hàng không, đường sông, đường biển và đường sắt. Qua thống kê, đường bộ đảm nhận trên 80% thị phần về vận tải hàng, trên 90% thị phần vận tải hành khách. Từ con số đó cho thấy, áp lực lên đường bộ quá lớn, trong khi việc quản lý của các cơ quan có thẩm quyền chưa chặt chẽ, việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa thường xuyên, liên tục, còn bỏ sót nhiều vi phạm dẫn đến một số doanh nghiệp chở quá tải vẫn chưa bị xử lý. Ông Y Puăt Tơr, Giám đốc Sở GTVT thừa nhận: Tình trạng xe né trạm cân trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, các phương tiện chở quá tải trọng cho phép vẫn “qua mặt” lực lượng chức năng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên một phần do lực lượng tham gia phối hợp chưa làm hết nhiệm vụ, một số thành viên còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Thêm vào đó, tình trạng kỹ thuật của thiết bị trạm cân không bảo đảm, tỷ lệ chính xác chưa cao, thậm chí cùng 1 phương tiện, nhưng cân 3 lần thì cho 3 kết quả khác nhau, điều này gây khó khăn trong việc xử lý của lực lượng chức năng và cũng gây phiền hà cho doanh nghiệp”.

Ngày 19-6-2014, Bộ Giao thông - Vận tải ban hành văn bản số 7275/BGTVT-VT về việc kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ôtô tải. Trong đó, giải pháp trọng tâm đã và đang thực hiện rất hiệu quả đó là siết chặt ngay từ khâu đăng kiểm phương tiện. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng đối phó của các doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp có số lượng đầu xe lớn vẫn cố tình vi phạm (sau khi đăng kiểm, các doanh nghiệp lại cho tháo dỡ thùng xe và thay thế bằng thùng xe khác vượt quá tải trọng). Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Xuân Cường, cùng với siết chặt đăng kiểm là tăng cường thực hiện nghiêm túc quy định về bốc xếp hàng hóa tại các đầu mối hàng hóa lớn, mỏ vật liệu xây dựng – đây được xem là giải pháp căn cơ. Bởi nếu làm tốt việc này sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, tiết kiệm chi phí, giảm áp lực cho lực lượng thực thi công vụ, bớt phiền hà trong việc hạ tải. Công tác kiểm soát tải trọng bằng trạm cân chỉ là giải pháp cuối cùng.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc