Multimedia Đọc Báo in

Nông nghiệp, nông thôn - thị trường tiềm năng của các ngân hàng thương mại

10:28, 24/12/2014

Sau một thời gian chú trọng khai thác thị trường đô thị, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị lớn, mặt bằng dân cư có trình độ cao, thời gian gần đây các ngân hàng thương mại đã bắt đầu chú trọng vào thị trường nông thôn.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Dak Lak Tăng Hải Châu cho biết, có một thực tế là suốt một thời gian dài, các dịch vụ ngân hàng mới chỉ được phục vụ cho tầng lớp có thu nhập cao và cán bộ công nhân viên, còn đại đa số là nông dân lại chưa được quan tâm đúng mức, mà đối tượng này chiếm tới 70% dân số. Do vậy, có thể khẳng định thị trường nông thôn đang là "mảnh đất màu mỡ" để các ngân hàng mở rộng thị trường. Xu hướng tiến về nông thôn thể hiện rõ nét trong tổng dư nợ năm 2014. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ước đạt 20.748 tỷ đồng, chiếm 46% tổng dư nợ. Đặc biệt tỷ trọng tăng trưởng dư nợ trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đã đạt 12.678 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng dư nợ và tăng trưởng đến 23,4% so với năm 2013. Ông Tăng Hải Châu cho rằng, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại thường không chú trọng mảng cho vay nông nghiệp, nông thôn do những dự án ở khu vực này thường nhỏ về quy mô, chỉ vay khoảng vài chục triệu đồng nên tổ chức tín dụng thường khá tốn kém trong quản lý. 

Cán bộ ngân hàng (bên phải) đang thẩm định một dự án chăn nuôi tại huyện Cư Kuin.
Cán bộ ngân hàng (bên phải) đang thẩm định một dự án chăn nuôi tại huyện Cư Kuin.

Tuy nhiên, do áp lực giảm tỷ trọng dư nợ phi sản xuất, các ngân hàng buộc phải tìm cách đẩy tỷ trọng ở những mảng khác tăng lên nếu không thể thu hồi nợ bất động sản, chứng khoán. Do vậy, hướng vào nông nghiệp nông thôn của nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian qua gần như là mũi tên trúng nhiều đích. Trong đó, hai đích lớn nhất chính là sự chấp hành khuyến khích của Nhà nước về phát triển nông nghiệp nông thôn và bảo đảm tỷ lệ dư nợ đúng như quy định. Trong khi đó, theo một đại diện ngân hàng thương mại trên địa bàn, trong bối cảnh Nhà nước triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt, tín dụng bất động sản, chứng khoán... bị siết như hiện nay thì khách hàng nông nghiệp là một kênh khá an toàn, ổn định đồng thời đúng chủ trương của Nhà nước, dù lợi nhuận không bằng cho vay phi sản xuất. Một số ngân hàng không chủ trương phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn cũng đang có động thái nới dần ở mảng này bằng những chính sách nhất định về vốn, lãi suất đối với từng khu vực, địa bàn, trong đó có khách hàng ở khu vực nông thôn. Bên cạnh là thị trường tiềm năng, cho nông thôn nông dân vay vốn là cách kinh doanh "không bỏ trứng vào một giỏ"; đồng thời rủi ro thấp, vì vốn cho vay nông nghiệp thường nhỏ và không tập trung.

Rõ ràng nông nghiệp, nông thôn đang là một phân khúc hấp dẫn đối với các ngân hàng thương mại. Nông nghiệp, nông thôn không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là cơ hội để các ngân hàng thương mại xác định lại cơ cấu khách hàng hợp lý hơn theo tiêu chí phù hợp, từ đó xây dựng chiến lược hoạt động của mình.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc