Phát triển thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu
Những năm gần đây rừng đầu nguồn đã và đang bị tàn phá nặng nề, cộng với tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm thay đổi các quy luật về thủy văn, về dòng chảy đến các hồ chứa. Điều này cũng đã đặt ra những vấn đề cấp bách cho phát triển thủy lợi ở Dak Lak để bảo đảm an toàn công trình cũng như vùng hạ du.
Hàng trăm công trình cần sửa chữa, nâng cấp
Theo Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh có 591 hồ thủy lợi, với tổng diện tích mặt nước 27.400 ha, dung tích trên 669 triệu m3. Việc xây dựng nhiều hồ chứa đã góp phần rất lớn vào phát triển sản xuất nông nghiệp, phát điện, chống lũ, cấp nước sinh hoạt và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các hồ chứa cũng gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội bởi những tồn tại trong thiết kế, thi công và quản lý, cùng với đó là biến đổi bất thường về khí hậu làm cho các tác động xấu này thêm trầm trọng. Trong số 591 hồ thủy lợi, có 307 hồ có đập đất không được gia cố bảo vệ mái thượng lưu và hạ lưu, mặt đập lồi lõm, sụt lún, mái sạt lở biến dạng không còn bảo đảm độ xoải an toàn, 27 đập có hiện tượng thấm; 146 hồ có tràn đất; 72 hồ tràn bán kiên cố; 183 hồ không có cống. Những tồn tại này phần lớn nằm ở các hồ loại nhỏ và vừa vì các công trình này có tiêu chuẩn thiết kế thấp hơn, đặc biệt là các hồ đập được xây dựng trong thời kỳ những năm 80 - 2000. Mặt khác, do thiếu kinh phí xây dựng nên các hạng mục công trình không được đầu tư xây dựng đồng bộ và có độ kiên cố cần thiết; một số hồ chứa tràn xả lũ không đủ năng lực tháo lũ, tràn tự do trên nền đất, nhiều hồ chứa không có đường quản lý, gây khó khăn cho công tác quản lý và ứng cứu khi hồ có sự cố… Những năm gần đây, những thiếu sót, hạn chế trên đã từng bước được khắc phục đối với các hồ được xây mới, nhất là ở những hồ lớn do Công ty TNHH Quản lý công trình thủy lợi quản lý. Hiện 100% các công trình này được thực hiện các chế độ quan trắc cơ bản, như: quan trắc mực nước, quan trắc thấm, đo mưa, kiểm tra ổn định…, góp phần đắc lực cho việc quản lý, điều tiết nước trong thời điểm có mưa lũ.
Tuy nhiên, trong tình hình diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi, cộng với rừng đầu nguồn của hồ bị tàn phá đã làm cho lượng lũ về hồ nhanh và lớn hơn, tăng mức độ nguy hiểm cho các công trình. Trong khi đó, do đặc điểm của địa hình, lưu vực nhỏ, độ dốc lòng sông lớn nên thời gian tập trung lũ tại các công trình thủy lợi của Dak Lak thường chỉ từ 3-7 giờ sau mưa, nhưng hiện tại tài liệu mưa do cơ quan khí tượng cung cấp lại có thời gian là 12 giờ, không dùng điều tiết được vì lũ đã xảy ra trước đó rồi. Dak Lak chỉ mới có hai công trình Ea Súp Thượng và Krông Buk Hạ được Bộ NN-PTNT đầu tư các trạm đo mưa tự động trên lưu vực và các hệ thống quan trắc tự động như đo mực nước, đo lưu lượng xả qua cống, tràn, nên hết sức thuận lợi trong việc điều tiết lũ. Do vậy, cần phải có thông báo mưa ngắn hơn và để có tài liệu này cần phải bổ sung thêm các trạm đo mưa tự động tại các lưu vực chưa có. Mặt khác, do hầu hết các công trình đã xây dựng khá lâu nên phải kiểm định lại độ an toàn và tính toán lại việc điều tiết lũ của từng công trình dựa trên cơ sở các tài liệu mưa những năm gần đây.
Hồ Buôn Triết (xã Buôn Triết, huyện Lak) cần được đầu tư các hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. |
Cần phải đầu tư nhiều
Trên thực tế, để những hồ thủy lợi có các hệ thống đo mưa tự động, quan trắc… nhằm đối phó với tình hình mưa, lũ bất thường do biến đổi khí hậu gây ra thì cần phải có nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Theo Phòng NN-PTNT huyện Lak, toàn huyện có 39 công trình thủy lợi, trong đó có 16 hồ chứa, đa số là các công trình thủy lợi vừa và nhỏ do ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên các công trình chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, trong đó có xây dựng và trang bị các thiết bị quan trắc. Đến nay, vẫn chưa có công trình nào trên địa bàn huyện được lắp đặt thiết bị quan trắc nên việc quản lý, xử lý số liệu quan trắc phục vụ đánh giá thực trạng đập không thực hiện được; các tổ hợp tác dùng nước vẫn phải thực hiện quan trắc đập bằng những kỹ thuật được tập huấn hằng năm và bằng kinh nghiệm bản thân.
Công trình thủy lợi đập Khe Môn (xã Buôn Triết, huyện Lak) có mặt đập bằng đất bị xói, lún cục bộ, nguy cơ mất an toàn cao nếu có sự cố xảy ra. |
Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện Dak Lak mới có 2 công trình thủy lợi lớn được Bộ NN – PTNT đầu tư các hệ thống quản lý hiện đại nhằm cảnh báo lũ sớm, bảo đảm an toàn hồ chứa. Còn lại hầu hết các công trình chưa có hoặc được trang bị chưa đồng bộ các thiết bị phục vụ công tác quan trắc, điều tiết, dự báo, cảnh báo vì nguồn kinh phí đầu tư cho thủy lợi mới đáp ứng được cho nhu cầu sửa chữa, nâng cấp các công trình. Trong thời gian tới, khi Đề án an toàn hồ chứa được triển khai, sẽ tập trung rà soát các công trình hồ đập đã hư hỏng, nâng cấp bảo đảm an toàn, kiểm định đập, đánh giá lại khả năng xả lũ có xét đến biến đổi khí hậu và tiêu chuẩn hiện hành, từng bước nâng cao mức bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế cho hồ chứa lớn, tăng cường năng lực dự báo lũ và các giải pháp an toàn cho vùng hạ lưu trong trường hợp xả lũ khẩn cấp. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 307 hồ thủy lợi cần được sửa chữa, nâng cấp với tổng nhu cầu vốn trên 2,3 nghìn tỷ đồng. Mới đây, UBND tỉnh có cũng đã có Quyết định về phân cấp quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, sẽ giao 568 công trình về cho Công ty TNHH Quản lý công trình thủy lợi quản lý. Như vậy, sau khi hoàn thành lộ trình bàn giao, các công trình thủy lợi này sẽ có chủ quản lý thật sự, việc duy tu, bảo dưỡng bảo đảm an toàn hồ đập cũng được quan tâm thường xuyên, bảo đảm năng lực tưới tiêu, cũng như điều tiết được lũ cho vùng hạ lưu. Điều này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành hồ chứa trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc