Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch phát triển cây cao su: Triển vọng thay đổi diện mạo nông thôn Dak Lak

10:16, 22/12/2014

Thực hiện chủ trương phát triển 100.000 ha cao su tại Tây Nguyên theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 3-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, tỉnh Dak Lak đã có nhiều nỗ lực trong việc quy hoạch, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư phát triển cây cao su. Dẫu vẫn còn nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều chung quanh việc quy hoạch, mở rộng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh, nhưng không thể phủ nhận hiệu quả của các dự án đã mang lại cho địa phương...

Từ năm 2009 đến nay, tuy bị cạnh tranh về diện tích của các loại cây trồng khác và ảnh hưởng của biến động giá cao su trên thị trường, nhưng các chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng cao su trên địa bàn tỉnh vẫn liên tục tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu diện tích cây trồng; thay đổi tập quán canh tác; cải thiện đời sống và thu nhập người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị của tỉnh.
Ảnh bên: Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Cao su 2-9 đang thu gom mủ cao su sau khi khai thác. Ảnh: V.C
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Cao su 2-9 đang thu gom mủ cao su sau khi khai thác.

Người dân được hưởng lợi

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 40 dự án trồng cao su, trong đó đã có 30 dự án được cấp phép triển khai và 10 dự án đang thực hiện các bước khảo sát, xây dựng dự án, thẩm định và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét với tổng diện tích gần 32.000 ha. 30 dự án được cấp phép cũng đã được bàn giao đất với tổng diện tích trên 20.000 ha, trong đó diện tích đất có rừng trên 16.400 ha, diện tích được phép trồng cao su là trên 8.800 ha, còn lại là diện tích được quy hoạch quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng… Đến nay, các dự án đã triển khai trồng được 7.489 ha cây cao su.

Có thể nói, các dự án phát triển cao su triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh; thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, từng bước đưa toàn bộ diện tích đất, rừng đều có chủ quản lý; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Theo thống kê, đến nay các doanh nghiệp đã đầu tư hơn 800 tỷ đồng vào các vùng dự án, thu hút sử dụng trên 1.800 lao động, chủ yếu là người địa phương với mức lương bình quân 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng. Các dự án phát triển cao su được triển khai đã không ngừng chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân cư trên địa bàn. Đặc biệt là các chủ dự án có diện tích đầu tư lớn (trên 1.000 ha) đều quan tâm đến việc đầu tư xây dựng trụ sở, đường, điện, giếng nước sinh hoạt, nhà ở cho công nhân… Có thể kể đến một số dự án đầu tư mạnh cho xây dựng cơ sở hạ tầng ngay trong giai đoạn kiến thiết như: Công ty Cổ phần Hoàng Anh Dak Lak, Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên, Công ty TNHH Đắc Nguyên…

Công nhân Công ty Cao su Krông Buk đang khai thác mủ cao su.
Công nhân Công ty Cao su Krông Buk đang khai thác mủ cao su.

Đánh giá về triển vọng của cây cao su, đồng chí Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, với các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, sẽ hình thành những vùng chuyên canh cây cao su với đầy đủ các yếu tố của vùng kinh tế phát triển. Người dân trong vùng dự án được giải quyết việc làm ổn định, được hưởng lợi từ các công trình phúc lợi và cơ sở hạ tầng vùng dự án. Đối với những hộ dân có đất nương rẫy canh tác kém hiệu quả nhưng thiếu vốn đầu tư có thể hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư để huy động nguồn vốn phát triển cây cao su, tăng hiệu quả sử dụng đất. Đặc biệt, các vùng cao su sau thời kỳ kiến thiết cơ bản chuyển sang thời kỳ kinh doanh sẽ được các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng, đào tạo công nhân kỹ thuật vào làm việc ổn định, hiệu quả về kinh tế - xã hội sẽ được phát huy. Hiện nay, cả tỉnh đang tập trung cho chương trình xây dựng nông thôn mới thì có thể xem đây là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu vùng xa của tỉnh.

Nâng cao giá trị các dự án cao su

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển cây cao su ở Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng, sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên đất rừng nghèo, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 8514/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 19-3-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nghị quyết số 120/2014/NQ-HĐND ngày 18-7-2014 của HĐND tỉnh và Quyết định số 2456/QĐ-UBND ngày 20-10-2014 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển cây cao su tỉnh Dak Lak giai đoạn 2014 – 2020.

Theo đồng chí Đinh Văn Khiết, mục đích của kế hoạch này là nhằm đẩy nhanh tiến độ trồng cao su trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, đạt giá trị gia tăng cao, bảo đảm phát triển bền vững; góp phần phát triển ổn định xã hội, nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Kế hoạch cũng nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất kinh doanh sản phẩm cao su, có tiềm lực tài chính tham gia đầu tư trồng cao su; hình thành các vùng trồng tập trung quy mô lớn gắn với đầu tư nhà máy chế biến, hỗ trợ cao su của hộ gia đình phát triển có hiệu quả và tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, kinh tế tại địa phương.

Việc ban hành kế hoạch này cũng là nhằm kiểm soát, khuyến khích người dân và doanh nghiệp trồng, chăm sóc, khai thác cây cao su theo đúng quy trình kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm đầu ra, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh trồng cao su gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường tự nhiên, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại chỗ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện xóa đói giảm nghèo, và tiến tới làm giàu đối với người trồng cao su; thúc đẩy phát triển hạ tầng nông thôn trong vùng, góp phần đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích cao su của tỉnh sẽ đạt 66.800 ha, năng suất đạt 1,65 tấn/ha, sản lượng đạt 60.000 tấn, giá trị xuất khẩu mủ cao su đạt 97 triệu USD và tạo việc làm ổn định cho khoảng 27.000 – 28.000 lao động. Theo ước tính, tổng chi phí trồng mới và kiến thiết cơ bản vườn cao su trên địa bàn Dak Lak theo phương án quy hoạch là 7.734 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2014-2015 là 1.614 tỷ đồng và những năm tiếp theo là 6.120 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư này chủ yếu là huy động từ vốn tự có của các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư trồng cao su, vốn liên kết liên doanh và vốn tín dụng.   

Để đạt được mục tiêu này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần triển khai nhiều giải pháp tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, nhiệm vụ cơ bản nhất chính là tổ chức sản xuất, huy động vốn đầu tư vườn cao su và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, UBND tỉnh sẽ có cơ chế khuyến khích Tập đoàn Cao su Việt Nam và các nhà đầu tư thành lập các công ty trồng cao su có quy mô lớn. Đồng thời, phát huy vai trò hạt nhân của các doanh nghiệp đầu tư trồng cao su đối với phát triển cao su của hộ gia đình thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư và cây giống có chất lượng, đào tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… để lao động địa phương có cơ hội tham gia làm cao su trong các vùng dự án.

 Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.