Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột quan tâm bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp

09:23, 16/12/2014

TP. Buôn Ma Thuột là vùng trọng điểm sản xuất công nghiệp (CN) của tỉnh, tập trung các nhà máy sản xuất trong Khu CN Hòa Phú, Cụm CN Tân An 1, 2 và nhiều cơ sở ngoài khu, cụm CN.

Trong những năm gần đây, sản xuất CN có những đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, hoạt động này cũng kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của địa phương. Nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất và xả thải CN, ngày 23 – 12 – 2013, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND về Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 18 – 3 – 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn thành phố. Theo đó, kế hoạch nhằm mục tiêu ngăn ngừa và khắc phục, kiểm soát tình trạng ô nhiễm ở các khu vực sản xuất CN, làng nghề, khu dân cư và hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với BVMT theo hướng bền vững… Đối với các khu, cụm CN, sau khi được phê duyệt quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng mới phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trước khi đi vào hoạt động. Riêng với cụm CN Tân An 1 và 2 phải hoàn thành việc đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung trong năm 2014. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các đợt thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực này tại các khu, cụm CN và hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

Nước thải từ Cụm công nghiệp Tân An 1 và 2 làm ô nhiễm hồ Ea Trum,  xã Cư Suê, huyện Cư M’gar.
Nước thải từ Cụm công nghiệp Tân An 1 và 2 làm ô nhiễm hồ Ea Trum, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar.

Thực hiện kế hoạch này, UBND TP. Buôn Ma Thuột giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối phối hợp, triển khai thực hiện các giải pháp, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất CN gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân các xã, phường về công tác BVMT. Cụ thể, trong năm 2014, Phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố kiểm tra, đánh giá 65 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 48 cơ sở chế biến gỗ 31 cơ sở chăn nuôi..., xử phạt hành chính tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm đã tạo ra sự chuyển biến trong công tác BVMT, đặc biệt là trong nhận thức, hành vi của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất CN trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô nhỏ, không có điều kiện tài chính để bảo đảm các quy định về môi trường, khi bị cơ quan chức năng xử lý thì việc nộp phạt cho các hành vi vi phạm rất khó khăn. 

Sản xuất tại HTX  Hòa Tiến,  TP. Buôn Ma Thuột.
Sản xuất tại HTX Hòa Tiến, TP. Buôn Ma Thuột.

Với những trường hợp này, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố thường áp dụng khung xử lý vừa phải, đồng thời, kết hợp với nhắc nhở, tuyên truyền nhằm tạo điều kiện để các đối tượng vi phạm vừa thực hiện quy định xử phạt của Nhà nước, vừa nhận thức được hành vi sai trái của mình từ đó khắc phục, chấn chỉnh. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê, mủ cao su, tái chế nhựa… thường xả khí, khói bụi và nước thải ra môi trường một cách lén lút vào ban đêm, né tránh cơ quan quản lý, khiến việc phát hiện, xử lý rất khó khăn. Đối với các cơ sở này thì các cơ quan chức năng cũng đành… bó tay, bởi khi các đoàn kiểm tra đến cơ sở thì việc xả thải không diễn ra, nên không có cơ sở để lập biên bản xử phạt. Thêm vào đó, CCN Tân An 1 và 2, nơi tập trung 61 dự án sản xuất CN vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Công trình này có tổng mức đầu tư 37 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động từ tháng 8 – 2014, nhưng đến nay mới thi công được khoảng 60% khối lượng, gồm các hạng mục bể thu, bể lắng, mương thoát nước và hàng rào nhà vận hành, với tổng số vốn 21 tỷ đồng. Do đó, lượng lớn nước thải do các doanh nghiệp tự xử lý và xả trực tiếp ra hồ Ea Trum (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar), khiến hồ này bị ô nhiễm, nước bốc mùi hôi thối và tác động đến nguồn nước suối Ea Bur, làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của hơn 200 hộ dân ở đây.

Chị Phan Thị Thanh Hà, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác BVMT, nhất là trong lĩnh vực CN, thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về nhận thức giữ gìn môi trường đến người dân và các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về BVMT của các cá nhân, tổ chức và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tập trung để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất CN và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc