Multimedia Đọc Báo in

Chợ xã Cư Drăm cần được nâng cấp

10:40, 11/01/2015
Chợ xã Cư Drăm (Krông Bông) được xây dựng năm 1997 với số tiền 250 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình xây dựng trung tâm cụm xã.
 
Hiện tại chợ Cư Drăm đã trở nên quá tải; công trình vệ sinh, nước sạch không còn sử dụng được; mùa mưa không có lối thoát nước. Do chợ chật chội nên nhiều tiểu thương và bà con các thôn, buôn đã đưa thức ăn, rau quả, gia súc, gia cầm ra bán dọc Tỉnh lộ 12 (trước cổng chợ), làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Nhiều người dân bày bán các nông sản của gia đình bên lề đường.
Nhiều người dân bày bán các nông sản của gia đình bên lề đường.

Việc xây dựng, phân lô, mở đường vào chợ không khoa học nên giờ vẫn còn hàng chục lô phía dãy sau không có người bán vì không có lối vào; trong khi phía ngoài không còn một chỗ trống. Các lô chợ hẹp, nhiều tiểu thương cơi nới, hàng hóa bày bán chiếm hết cả lối đi. Bà Lăng Thị Hồng, tiểu thương chợ Cư Drăm than: “Trước đây gia đình tôi có đấu thầu 1 lô bán vải ngoài trời, ở dãy phía sau của chợ. Nhưng sau đó cấp trên đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân làm nhà, bịt lối đi từ đường lớn vào dãy sau chợ. Đường từ ngoài cổng chính vào chợ hẹp, hàng hóa bày ra bán cũng chẳng ai vào mua…”.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua bán tại chợ xã Cư Drăm ngày một tăng. Nhiều người dân thu hoạch nông sản của gia đình đem ra chợ bán nhưng vào chợ không có chỗ nên đành “liều” ngồi bán ở ngoài đường. Bà Trần Thị Khang ở thôn Nhân Giang, xã Yang Mao tâm sự: “Trồng được ít rau, vớt ít cá nuôi dưới ao nên tôi đem ra chợ bán, kiếm thêm chút tiền cho con ăn học. Biết rằng bán hàng ngoài đường là vi phạm nhưng vào chợ thì chẳng có chỗ ngồi”. Chợ Cư Drăm hiện nay có khá nhiều mặt hàng đa dạng, với hơn 60 sạp hàng, chưa kể hàng rong bên ngoài. Tuy nhiên, do không có kinh phí để chi trả nên chợ không thành lập được Ban quản lý và chỉ có 1 người tự đứng ra thu dọn rác (tiền công thu từ các tiểu thương và những người bán hàng rong được khoảng gần 2 triệu đồng/tháng); vì vậy hoạt động của các tiểu thương trong chợ và những người bán hàng rong mang tính tự phát, không có người quản lý. Các công trình nước sạch, vệ sinh đều không còn sử dụng được; công tác phòng cháy, chữa cháy hầu như không được quan tâm. Hàng rong ngang nhiên đứng bán giữa lòng đường. Xe máy, xe đạp dựng kín lòng lề đường, gây cản trở giao thông.

Dù biết chợ xã Cư Drăm đã quá tải nhưng địa phương cũng “lực bất tòng tâm” bởi để nâng cấp, mở rộng chợ cần nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng. Ông Ama Nho, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm cho biết: “Muốn nâng cấp, mở rộng chợ phải giải tỏa và đền bù cho người dân. Khó khăn nhất là hơn 70% của gần 50 hộ tiểu thương trong chợ đã được huyện Krông Bông cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều hộ đã xây nhà. Giờ muốn giải tỏa phải cần nguồn kinh phí khoảng vài chục tỷ đồng để đền bù, chưa nói đến kinh phí xây dựng chợ lồng, khu vệ sinh, nước sạch, hệ thống thoát nước, phòng cháy, chữa cháy…”.

Chợ trung tâm cụm xã Cư Drăm là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa phục vụ cho hơn 20.000 người dân ở các xã: Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao và một số xã phía ngoài. Kinh phí để xây dựng, nâng cấp chợ quá lớn trong khi điều kiện kinh tế của các tiểu thương chợ Cư Drăm còn khó khăn nên khó thực hiện; vì vậy rất cần sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để sớm xây dựng, nâng cấp, mở rộng và lập lại trật tự chợ, góp phần xây dựng nông thôn mới trên vùng căn cứ cách mạng.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.