Multimedia Đọc Báo in

Cư Kuin gỡ khó cho rau an toàn

22:27, 31/01/2015
Những năm trở lại đây, việc tận dụng những chân “đất khó” chỉ trồng hoa màu một vụ sang trồng rau quanh năm đã được huyện Cư Kuin chú trọng, theo đó các mô hình đã đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chú trọng sản xuất rau an toàn

Gia đình bà Nguyễn Thị Phúc, thôn mới, xã Hòa Hiệp có hơn 1 ha đất chuyển đổi sang trồng rau cho biết, trước đây vùng đất này là đất trũng, làm lúa thiếu nước, trồng đậu bị úng nước nên 5 năm trở lại đây gia đình chuyển sang trồng rau màu các loại, mùa nào thức nấy, thu nhập bình quân mỗi năm hơn 600 triệu đồng. Hiện tại, toàn bộ hơn 1 ha đất đang canh tác cây su hào, dự tính cung cấp cho thị trường tết Nguyên đán Ất Mùi và đã được thương lái tới đặt cọc, bao tiêu sản phẩm. Tương tự, gia đình bà Mai Thị Ngà, trú cùng thôn cũng có 6 sào sản xuất rau cho biết, năm 2013 gia đình được Sở Khoa học và Công nghệ lựa chọn để xây dựng mô hình trồng cà chua trong nhà lưới (600m2). Theo đó, gia đình đã được tiếp cận với hình thức, kỹ thuật sản xuất rau sạch do đơn vị đầu tư hướng dẫn. Hiện tại, với 6 sào đất trồng rau các loại: đậu cô-ve, cà chua, xà lách, rau cải, bí ngồi, cải cúc… bình quân mỗi năm gia đình thu về hơn 300 triệu đồng tiền lời. Về kinh nghiệm trồng rau, ông Sơn cho biết thêm, trồng rau an toàn quan trọng nhất là phân hữu cơ bởi phân hóa học dễ sử dụng, hiệu quả tức thì nhưng về lâu dài đất trồng sẽ bị chai sạn, cứng đất, sâu bệnh dễ phát sinh gây hại… Để tiết kiệm chi phí đầu tư, tháng 1 hằng năm gia đình lại tận dụng phân chuồng, vỏ cà phê để ủ phân hữu cơ trồng rau. Nhờ đó, chất lượng phân rất bảo đảm, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho rau phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại nên hạn chế được việc sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên, gia đình cũng như các hộ lân cận vẫn đang khó khăn đầu ra do thiếu liên kết, đã có một số đơn vị đến đặt hàng, thu mua ổn định với số lượng lớn, có yêu cầu hóa đơn nhưng lại không đáp ứng được.

Nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin chuẩn bị đất để trồng rau an toàn.
Nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin chuẩn bị đất để trồng rau an toàn.

Tương tự, xã Dray Bhăng, vùng nổi tiếng với nghề trồng rau truyền thống hàng chục năm nay tiếp tục phát triển với khoảng 20 ha đất trồng rau các loại, tập trung ở thôn 13, Kim Châu, buôn Ea Klái… Đây là vùng đất đen, thích hợp với trồng rau, chất lượng rau tốt nhưng sản xuất manh mún, tự phát nên đầu ra rất bấp bênh. Người dân rất mong muốn có chương trình hỗ trợ, liên kết để sản xuất rau với quy mô lớn.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Theo đánh giá của Phòng NN & PTNT huyện, nhu cầu sử dụng rau sạch, rau an toàn của người tiêu dùng rất lớn, trong hai năm 2013 - 2014 huyện đã tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP cho 60 hộ dân trồng rau trên địa bàn. Thời gian tới, huyện sẽ đốc thúc địa phương thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại xã Hòa Hiệp để xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn; cắt cử cán bộ thường xuyên theo sát để hướng dẫn người dân tham gia sản xuất rau an toàn, tiến tới công nhận một số sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn Viet GAP;  tận dụng lợi thế vùng trung tâm, nằm trên Quốc lộ 27 để xây dựng quầy bán rau an toàn tại chợ Kim Châu (xã Hòa Hiệp), đưa rau sạch tới tận tay người tiêu dùng, bảo đảm độ tươi, ngon cho rau, đồng thời giải quyết đầu ra cho người sản xuất. Về vấn đề này, ông Ngô Văn Sơn, trưởng thôn Mới (xã Hòa Hiệp) cho biết, chất lượng rau đã được người tiêu dùng công nhận nhiều năm nay, đa số các hộ trồng rau thường một người chăm, một người chạy chợ hằng ngày chủ yếu bán sạp bên lề đường. Do vậy, khi xây dựng quầy hàng việc kinh doanh của bà con sẽ thuận lợi hơn, người dân yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Cư Kuin phân tích, rau an toàn, bởi rau an toàn phải an toàn từ khâu đầu tư giống, làm đất, chăm sóc… đến bảo quản nên giá cả thường cao hơn rau thông thường. Khi người tiêu dùng chấp nhận trả với mức giá cao hơn và người sản xuất chấp nhận năng suất thấp để sản xuất rau an toàn thì đầu ra sẽ được giải quyết. Huyện cũng đang kêu gọi Công ty Cổ phần Hưng Thịnh xây dựng mô hình sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn Việt GAP với diện tích 12 ha tại xã Dray Bhăng theo hình thức giao khoán đất. Theo đó, doanh nghiệp sẽ thuê lao động địa phương sản xuất, tiến tới chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Khi dự án kết thúc, bà con trở thành đầu mối cung cấp rau cho doanh nghiệp còn doanh nghiệp đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc