Multimedia Đọc Báo in

Gam màu sáng trong bức tranh kinh tế hợp tác xã

14:50, 04/01/2015

Năm 2014, kinh tế hợp tác xã (HTX) có những bước phát triển mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, đã xuất hiện nhiều hơn những HTX năng động, đột phá trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân tham gia và trở thành những HTX điển hình  tiên tiến.… 

Xuất hiện nhiều HTX điển hình

Những năm qua, kinh tế tập thể đã có những bước phát triển tích cực, nhiều HTX yếu kém được củng cố thành các HTX phát triển ổn định, hoạt động có hiệu quả. Điều đáng chú ý, trong các lĩnh vực xuất hiện ngày càng nhiều HTX tiêu biểu. Điển hình như HTX nông nghiệp Công Bằng Cư Dliê Mnông (buôn Đrao A, xã Cư Dliê Mnông, Cư M’gar) được thành lập vào cuối năm 2011 với 117 xã viên (dân tộc thiểu số chiếm 17%), tổng diện tích cà phê kinh doanh 233,5 ha, sản lượng hằng năm 909 tấn. Ông Nguyễn Đình Hào, Giám đốc HTX cho biết, hiện tất cả diện tích cà phê của các thành viên HTX đều được sản xuất theo hướng cà phê bền vững (chủ yếu theo chứng nhận Fairtrade – Thương mại Công Bằng), theo đó chất lượng cà phê được nâng cao, giá trị được gia tăng theo.

Ngoài ra, để nâng cao thu nhập, khuyến khích xã viên gắn bó lâu dài với vườn cà phê, HTX đã thu mua sản phẩm cho xã viên với giá cao hơn thị trường từ 3.000 - 3.500 đồng/kg nên dù giá cà phê trên thị trường có giảm sâu thì các thành viên vẫn bán được sản phẩm với mức giá ổn định từ 38.000 – 39.000 đồng/kg (mức giá sàn). Đơn cử như niên vụ 2013 – 2014, mặc dù giá cà phê trên thị trường chỉ ở mức 30.000 – 35.000 đồng/kg, nhưng HTX vẫn thu mua cà phê của xã viên với mức giá sàn và xuất bán được hàng chục tấn cà phê với mức 40 triệu đồng/tấn nhờ sản phẩm đạt chất lượng cao. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2014, Ban quản trị đã xúc tiến bán được trên 386 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng gần 200 tấn, thu về trên 24 tỷ đồng, tính bình quân giá bán cao hơn giá thị trường 3.500 đồng/kg. Ngoài việc hưởng lợi từ giá sản phẩm, trong niên vụ cà phê 2014-2015, HTX đã hỗ trợ (50% giá trị) cho 20 hộ dân mua 20 máy chế biến ướt quy mô nông hộ nhằm nâng cao chất lượng cà phê nhân, đồng thời giảm thất thoát trong thu hoạch. Điều đang chú ý nữa là, bên cạnh việc phát triển sản xuất, HTX cũng rất quan tâm đến các hoạt động an sinh xã hội. Theo đó, từ nguồn quỹ phúc lợi, HTX đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng trường mầm non, đường giao thông, nhà tình thương cho xã viên nghèo và ủng hộ các hoạt động từ thiện… Với thành tích đạt được trong sản xuất kinh doanh và đóng góp cho xã hội, HTX đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác xây dựng HTX kiểu mới.

Cà phê chế biến ướt quy mô nông hộ tại HTX Nông nghiệp Công Bằng Cư Dliê Mnông.
Cà phê chế biến ướt quy mô nông hộ tại HTX Nông nghiệp Công Bằng Cư Dliê Mnông.

Cũng là một HTX điển hình của tỉnh, HTX Du lịch Buôn Jun (Lak) được thành lập từ năm 2001, với 24 thành viên và 22 con voi nhà. Nhận thấy thế mạnh du lịch của Lak là có nhiều cảnh quan nổi tiếng và đẹp như Hồ Lak, Biệt điện Bảo Đại, thác 3 tầng, cùng với văn hóa bản địa…, HTX đã tập trung khai thác các tour “du lịch trên lưng voi” để thu hút khách du lịch, hình thành nên sản phẩm du lịch riêng. Với hình thức độc đáo này, du khách tìm đến với Lak ngày một đông hơn, mỗi tháng HTX đón từ 1.000 đến 1.500 lượt khách du lịch, trong đó có trên 50% là khách nước ngoài, bình quân mỗi con voi mang lại thu nhập cho mỗi xã viên từ 6-8 triệu đồng/tháng trở lên. Không những vậy, HTX còn khai thác vốn văn hóa truyền thống của đồng bào M’nông như cồng chiêng, nhà sàn truyền thống, thuyền độc mộc, các lễ hội… để phục vụ du khách nghỉ ngơi, thưởng thức và tìm hiểu nét độc đáo của dân tộc bản địa. HTX Du lịch Buôn Jun không những giúp các hộ thành viên phát triển kinh tế mà còn phần xây dựng, quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa ở Tây Nguyên.

Không ngừng đổi mới

Theo Liên minh HTX tỉnh, năm 2014 toàn tỉnh hiện có 341 HTX, trong đó có 173 HTX nông nghiệp, 66 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 35 HTX vận tải, 30 HTX thương mại, 35 HTX xây dựng và 11 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Những đóng góp của kinh tế HTX tuy còn hạn chế nhưng đã tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt, loại hình HTX nông nghiệp tuy còn nhiều khó khăn nhưng là mô hình thích hợp để hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế hay thay đổi tập quán canh tác, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tích cực vào Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có 69 HTX, trong đó, 45% đạt loại khá, giỏi; 40% trung bình. Nhiều HTX có chiều hướng chuyển biến tích cực trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, như: HTX mây tre đan - dệt thổ cẩm Ea Kao, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (TP. Buôn Ma Thuột), HTX mây tre lá Tiến Nam (huyện M’Drak); HTX điện nước Ea Kar. Đối với lĩnh vực vận tải, các HTX hoạt động khá hiệu quả, tổ chức bộ máy khá chặt chẽ, vốn điều lệ bình quân cao và có đến 60% đạt loại khá, giỏi, 30% trung bình. Đa số HTX vận tải đều có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng phục vụ, khai thác tối đa về luồng tuyến, vận chuyển khoảng 70% khối lượng hàng hóa và 55% số lượng hành khách trong tỉnh. Một số HTX đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng, lập dự án đầu tư bến bãi, dịch vụ xăng dầu, điểm dừng nghỉ, mua mới phương tiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ của hành khách.

Các du khách tham gia  tour “du lịch trên lưng voi” để tham quan các danh lam thắng cảnh  ở Lak.
Các du khách tham gia tour “du lịch trên lưng voi” để tham quan các danh lam thắng cảnh ở Lak.

Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trong năm 2014, hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX ngày càng đa dạng hơn, bổ sung thêm các ngành nghề như: vệ sinh môi trường, quản lý kinh doanh chợ, chế biến và tiêu thụ nông sản, sản xuất cây, con giống…, từ đó giúp các HTX kinh doanh có hiệu quả hơn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động. Phát triển HTX gắn với xây dựng làng nghề, phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới đang được triển khai một cách tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, tỷ lệ HTX khá, giỏi chiếm đến 51% trong tổng số HTX hoạt động, các HTX đã thực hiện khá tốt mục tiêu “bà đỡ” cho kinh tế hộ, tập hợp nông dân để tổ chức sản xuất, phát triển ngành nghề mới và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất theo hướng bền vững, thu hút được khoảng 57.836 thành viên, lao động tham gia.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.