Multimedia Đọc Báo in

Hàng Việt vẫn giữ sức hút ở chợ truyền thống

14:45, 04/01/2015

Không chỉ ở các siêu thị, trung tâm thương mại mà gần đây, tại các chợ truyền thống cũng ghi nhận sự lên ngôi của hàng Việt với tỷ lệ bày bán ngày càng cao.

Trong ký ức của nhiều người, chợ vẫn là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn đáng nhớ, đó không chỉ là nơi giao thương hàng hóa mà người dân đến chợ còn có thể gặp gỡ, hỏi thăm và trao đổi thông tin với nhau. Điều đặc biệt ở chợ mà các siêu thị không có được là hoạt động tư vấn, trao đổi giữa người bán và người mua, ngoài việc bán hàng, tiểu thương còn là người hướng dẫn, thông tin thêm về sản phẩm để thuyết phục khách hàng, thậm chí, còn “truyền tai” nhau cả những bí quyết để chọn mua hàng ưng ý. Do đó, dù các siêu thị hiện đại mọc lên ngày một nhiều, người dân vẫn thích chọn chợ để làm điểm mua sắm.
 
Trên thực tế, khó có thể cạnh tranh với các trung tâm thương mại ở khâu khuyến mại, giảm giá, song, chợ truyền thống vẫn giữ được chân khách hàng bằng cách riêng của mình. Thói quen “chuộng” mua hàng tại các chợ truyền thống còn bởi tâm tính của người Việt vẫn muốn có sự gắn kết về mặt tình cảm, ưa thích sự mua bán có… gửi gắm niềm tin, mua hàng ở chỗ người quen nên yên tâm hơn! Khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như chợ Tân Thành, Tân An, Trung tâm Buôn Ma Thuột…, vài năm trở lại đây, hàng Việt Nam đã chiếm ưu thế so với các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc. Điều rõ nhất cho thấy sự lên ngôi của hàng nội là khi tiểu thương tại các chợ luôn khẳng định chắc nịch: “Đây là hàng Việt Nam” để thu hút khách hàng và cũng khiến nhiều người tiêu dùng (NTD) yên tâm hơn khi chọn mua. Nhiều thương hiệu như bánh kẹo Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Vĩnh Nguyên, cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamlik, nồi nhôm Kim Hằng, phích nước Đại Phát Huy, nhựa Duy Tân…. có số lượng lớn trên các quầy, sạp. Trong số các mặt hàng bán tại chợ, thực phẩm khô, hàng may mặc, trái cây… do trong nước sản xuất trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu của NTD. Chị Nguyễn Thị Phượng, NTD phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, hàng Việt có nguồn gốc rõ ràng được ghi trên nhãn mác, giá bình dân, hơn nữa, lại được cải tiến nhiều về mẫu mã nên khiến chị yên tâm hơn. Tương tự, chị Hà, NTD phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột cũng cho biết, sau hàng loạt thông tin về thực phẩm Trung Quốc bị nhiễm độc, chị chỉ lựa chọn hàng Việt phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt của gia đình mình. Hơn nữa, lại mua chỗ người quen ở chợ nên chị rất tin dùng.
Khách  chọn mua quần áo  do trong nước sản xuất  tại chợ  Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Khách chọn mua quần áo do trong nước sản xuất tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Thời buổi thị trường cạnh tranh nên việc nắm bắt tâm lý khách hàng đóng vai trò rất quan trọng. Gần đây, lo ngại về chất lượng của một số sản phẩm hàng ngoại, NTD thiên về xu hướng chọn mua hàng trong nước sản xuất với niềm tin sẽ an toàn cho sức khỏe. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều tiểu thương cũng đẩy mạnh việc bày bán hàng nội để chiều lòng các “thượng đế”. Chị Nguyễn Thị Hiền, tiểu thương bán mỹ phẩm tại chợ tạm Buôn Ma Thuột cho hay: Trước đây, NTD chỉ “chuộng” các mặt hàng giá rẻ, nhiều mẫu mã, bất kể ở đâu sản xuất cũng được, nhưng nay thì đã khác, nhiều người trong số họ chỉ khăng khăng “đòi” mua cho bằng được hàng Việt để xài. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, cuộc sống của người dân đã thêm phần sung túc nên việc mua sắm vì thế cũng có phần thoải mái hơn. Song, việc an toàn cho sức khỏe lại được đặt lên hàng đầu.

Có thể thấy, chợ vẫn là “đất sống” để hàng Việt khẳng định vị thế của mình trên thị trường nội địa. Hàng nội bày bán tại các chợ truyền thống đã thuyết phục được NTD. Không những thế, nơi đây còn là kênh quảng bá, tư vấn thương hiệu Việt một cách hiệu quả nhất. Song, về lâu dài, cần kịp thời lấp đầy các khoảng trống giúp hàng Việt đi sâu vào chợ truyền thống và tiếp cận hơn trong tay NTD. Do đó, cần đẩy mạnh vấn đề liên kết giữa DN nội và tiểu thương là hết sức cần thiết. Đầu tiên ở là khâu bày bán sản phẩm, theo anh Phạm Minh Đ. tiểu thương tại khu C, chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, quầy của anh chủ yếu bày bán hàng may mặc vừa và nhỏ của các công ty ở Sài Gòn, song, hàng có thương hiệu lại không nhiều. Nếu có sự hỗ trợ của DN thì anh sẽ ưu tiên trưng bày hàng Việt ở những vị trí thuận lợi, đẹp mắt với mật độ dầy đặc, như thế mới càng thu hút sự quan tâm của nhiều NTD đến với chợ. Bên cạnh đó, theo nhiều tiểu thương thì DN nội cũng phải cam kết bảo đảm cung cấp nguồn hàng liên tục, thường xuyên cho tiểu thương, tránh tình trạng bị “đứt” hàng bởi NTD chỉ quen mua những mặt hàng đã dùng qua. Ngoài ra, cũng cần tăng độ phủ sóng và khả năng nhận biết thương hiệu cho NTD. Trên thực tế, tại các chợ truyền thống, nếu nói về dấu hiệu để nhận biết hàng Việt chính hãng với các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc khác thì sẽ có không ít tiểu thương lắc đầu (!)… Nếu làm được điều này thì chợ vẫn sẽ là kênh phân phối hàng Việt sẽ rất hiệu quả.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.