Multimedia Đọc Báo in

Khá giả nhờ… nuôi vịt đẻ

10:31, 18/01/2015
Trước đây, kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Hà (SN 1980) ở buôn Tung 1, xã Buôn Triết (huyện Lak) chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nước, nhưng hằng năm thường bị hạn hán, lũ lụt nên năng suất bấp bênh, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
 
Năm 2010, vợ chồng chị Hà đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện Lak để đầu tư mua 500 con vịt giống nuôi đẻ trứng, đồng thời làm chuồng trại nuôi nhốt tập trung tại vườn nhà mình. Do là hộ đầu tiên trong xã triển khai mô hình chăn nuôi vịt đẻ quy mô chuồng trại lớn nên chị vừa học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi vịt đẻ thành công ở những huyện khác trong tỉnh, vừa học qua sách báo về cách xây dựng chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho vịt. Từ những lợi nhuận ban đầu, vợ chồng chị lại tích cóp vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại và tăng số lượng đàn vịt lên nhanh chóng. Hiện nay, vợ chồng chị Hà đã duy trì ổn định 4.000 con vịt mái đẻ và trên 200 con vịt trống để phối giống, đồng thời, xây dựng được khu chuồng trại chăn nuôi kiên cố và khoa học với quy mô khoảng 3.000 m2 gồm: sân bê tông, nhiều ô chuồng và ao tắm, chỗ ăn, chỗ ngủ, hệ thống cấp thoát nước bảo đảm vệ sinh tốt cho đàn vịt. Ngoài ra, chị còn tận dụng nguồn phân mà vịt thải ra hằng ngày để xây dựng một hầm biogas, vừa làm chất đốt vừa làm sạch môi trường; đầu tư thêm lò ấp trứng với công suất 40.000 trứng/lượt.
Chị Nguyễn Thị Hà đang chăm sóc đàn vịt đẻ  của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hà đang chăm sóc đàn vịt đẻ của gia đình.

Theo kinh nghiệm của chị Hà, nuôi vịt đẻ trứng chỉ cần nắm vững kỹ thuật từ khâu chọn giống đến chăm sóc và cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn vịt. Giống vịt đẻ phải “ươm” từ khi vịt mới nở, nuôi khoảng 4 tháng là vịt bắt đầu cho trứng và đẻ liên tục trong vòng khoảng 2 năm. Đặc biệt lưu ý, trong quá trình vịt đẻ, phải cung cấp đủ dinh dưỡng cho vịt và không được tiêm bất cứ một loại thuốc kháng sinh nào vì sẽ làm vịt ngừng đẻ. Cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng thường xuyên và chú ý đến khẩu phần ăn để vịt đẻ đều, trứng to. Vịt đẻ trứng thường thì 2 năm thay lứa khác một lần nhưng có thể sớm hơn để năng suất và chất lượng trứng tốt hơn... Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật mà đàn vịt 4.200 con của gia đình chị Hà có tỷ lệ đẻ trứng đạt khoảng 95%. Toàn bộ số trứng này được đưa vào lò ấp, sau 3-4 ngày phải kiểm tra xem quả nào không đạt thì được bán thành trứng ngang, còn lại tiếp tục ấp khoảng 13 ngày nữa để cho ra trứng vịt lộn. Do có kinh nghiệm trong chăn nuôi và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vịt, số lượng trứng bán ra hàng ngày của gia đình chị đều được các thương lái đến mua hết.

Theo tính toán của chị Hà thì với giá trứng bán hiện tại 2.900 đồng/trứng lộn và 2.300 đồng/trứng ngang, tổng thu từ bán trứng của gia đình khoảng 500 triệu đồng/năm. Từ việc chăn nuôi vịt thu lợi nhuận cao, gia đình chị Hà lại tiếp tục mua thêm ruộng để trồng lúa. Hiện nay gia đình chị Hà canh tác 5 ha lúa nước, năng suất bình quân mỗi năm đạt 80 tấn, thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

 Quốc Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.