Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy nguồn lực sức dân

10:30, 18/01/2015

Nhận thức rõ sự đồng thuận trong nhân dân chính là “chìa khóa” của mọi thành công, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền ở nhiều địa phương trong tỉnh đã làm tốt vai trò vận động quần chúng, khơi dậy sức mạnh lòng dân để có những cách làm sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Hầu hết các tuyến đường nông thôn ở xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột)  đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa. (Trong ảnh: Một đoạn đường  tại thôn 7, xã Hòa Thuận).
Hầu hết các tuyến đường nông thôn ở xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa. (Trong ảnh: Một đoạn đường tại thôn 7, xã Hòa Thuận).

Đến với xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) hôm nay, dễ dàng nhận thấy sự “thay da đổi thịt” hiện hữu trên từng đường làng, ngõ xóm và những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát. Những đổi thay rõ nét của bức tranh nông thôn nơi đây là minh chứng cho sự hòa hợp của ý Đảng - lòng dân. Ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận chia sẻ: Để các phong trào vận động quần chúng đạt hiệu quả, khơi dậy sức mạnh từ sự đồng thuận của người dân thì mỗi đảng viên, cán bộ từ cấp xã đến các thôn, buôn đều nêu cao tinh thần gương mẫu trong mọi hoạt động. Chẳng hạn, chuyện làm đường giao thông nông thôn. Nhiều cán bộ, đảng viên đã gương mẫu tự phá bỏ tường rào, cây cối nhà mình để hiến đất làm đường, từ đó nhân lên ý thức cộng đồng, tạo phấn khởi cho người dân thực hiện theo. Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cán bộ và nhân dân, đến tháng 10-2014, xã Hòa Thuận đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí và trở thành xã đầu tiên của tỉnh “cán đích” trong Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Người dân trong xã đã tự nguyện đóng góp trên 30 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa… Trong đó, bà con đã tự nguyện hiến 347 m2 đất làm đường giao thông nông thôn; hơn 9,8 tỷ đồng để đầu tư điện 3 pha phục vụ sản xuất nông nghiệp… Điển hình như hộ bà Hồ Thị Lộc ở thôn 2 đã tự nguyện hiến 35 m2 đất sân vườn nhà mình và phá bỏ 20 m tường rào để mở rộng đường trong xóm. Bà Lộc bộc bạch: “Mới đầu, nghe tin việc mở rộng đường thôn phải lấn sâu vào đất nhà mình, vợ chồng tôi cũng băn khoăn lắm. Nhưng khi trưởng thôn đến vận động, cán bộ xã đến thuyết phục, nói rất có lý, có tình. Tôi nhìn xung quanh xóm, ai cũng đang chờ mình, thế nên, tôi không chần chừ nữa…”.

Người dân buôn Lê B, thị trấn  Ea Drăng, huyện Ea H’leo đóng góp ngày công tham gia làm đường trong xóm.
Người dân buôn Lê B, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo đóng góp ngày công tham gia làm đường trong xóm.

Những năm qua, công tác dân vận khéo ở xã Yang Reh (huyện Krông Bông) luôn được các cấp ủy, chính quyền nơi đây đặc biệt coi trọng và triển khai hiệu quả, từng bước nâng cao tinh thần tự giác, tính đoàn kết trong người dân. Vì vậy, mọi công tác vận động, tuyên truyền và thực hiện các phong trào quần chúng đã đem lại những kết quả thiết thực. Điển hình là trong cuộc vận động “Toàn dân bảo vệ môi trường nơi sinh sống” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ đông đảo người dân. Tại các thôn 1, 2 và thôn 3, người dân đã tự họp bàn thông qua sự giám sát của UBND xã, thống nhất lập ra tổ thu gom rác thải gồm 3 thành viên/thôn với tinh thần tự nguyện, ưu tiên thành viên thuộc hộ nghèo. Bà con trong các thôn đã tự đóng góp mỗi gia đình 10.000 đồng/tháng để tổ thu gom rác thải mua dụng cụ, vận chuyển rác thải đến bãi rác thải tập trung của xã, giúp các thành viên trong tổ thu gom rác có thêm thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/tháng/người. Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Yang Reh vui mừng cho biết: Từ khi triển khai thực hiện mô hình tổ thu gom rác thải thì đường làng ngõ xóm của các thôn luôn sạch sẽ, ý thức người dân trong việc vệ sinh môi trường được nâng cao, không còn tình trạng vứt rác, xả nước thải bừa bãi ra đường như trước. Hiện nay, mô hình này đang được người dân ở các thôn, buôn khác trong xã làm theo khá tốt. Xã Yang Reh có 1.200 hộ dân, trong đó số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm khoảng 36%. Từ khi địa phương phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ môi trường nơi sinh sống” thì những thói quen chăn nuôi gia súc thả rông lạc hậu trước đây đã thay đổi, bà con chuyển dần sang nuôi nhốt tập trung, quy hoạch khu vực chuồng trại chăn nuôi hợp lý cách xa khu vực giếng nước ăn, nơi sinh hoạt… Từ đó, tình trạng dịch bệnh ở đàn vật nuôi và con người đã không còn phổ biến như trước. Phong trào “Toàn dân bảo vệ môi trường nơi sinh sống” đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống của người dân nơi đây.

Trước đây, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự của tỉnh, nhất là nạn trộm cắp tài sản, đua xe, cờ bạc… diễn ra khá phức tạp. Thế nhưng những năm gần đây, nhờ sức lan tỏa từ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã huy động được sự đoàn kết của người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tình hình an ninh trật tự có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là chính quyền xã Ea Bar đã triển khai nhiều mô hình hay xuất phát từ thực tế và ý thức đoàn kết trong nhân dân, góp phần cùng lực lượng chức năng địa phương giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Y Sen Kbuôr, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bar cho hay: Từ năm 2008 đến nay, xã đã triển khai mô hình Tổ dân vận đến 100% thôn, buôn trong xã, do bí thư chi bộ thôn, buôn làm tổ trưởng, các chi Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, đoàn thể… làm thành viên, cùng phối hợp để tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Chưa hết, mỗi thôn buôn hiện nay cũng thành lập các Tổ tự quản về an ninh trật tự, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an xã thường xuyên tuần tra, bám sát địa bàn để cùng vận động người dân tăng cường ý thức tự giác bảo vệ tài sản của mình và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, xã Ea Bar còn phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhất là các già làng, trưởng buôn làm “cầu nối” giữa chính quyền địa phương với người dân. Già làng Y Xoan Êban ở buôn Knia 1 chia sẻ: Thông qua những quy định trong hương ước của buôn, già đã làm tốt công tác hòa giải, một số trường hợp vi phạm pháp luật, thanh niên chậm tiến gây gổ đánh nhau đều đưa ra kiểm điểm trước dân. Từ đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo bà con. Nhiều năm nay, buôn Knia 1 không hề xảy ra trộm cắp, hay mất trật tự an ninh trên địa bàn. Bà con luôn đoàn kết, thương yêu nhau cùng chung sức xây dựng buôn làng ngày càng no ấm.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.