Mô hình "Thắp sáng đường quê": Cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới ở một huyện vùng sâu
Trong gần ba tháng qua, việc đi lại của người dân ở buôn Mghăn, xã Cư Pui (Krông Bông) không còn chịu cảnh tối tăm như trước nữa vì đã có một hệ thống đèn chiếu sáng trên các trục đường quanh buôn do chính người dân đóng góp kinh phí để lắp đặt. Ông Y Bay Mlô, một người dân trong buôn phấn khởi nói: “Trước đây kẻ xấu thường lợi dụng đêm tối để trộm cắp tài sản của nhân dân, hoặc tụ tập gây gổ đánh nhau gây mất trật tự; vào mùa mưa ban đêm bà con đi họp cũng rất khó khăn… Trước thực trạng đó, Đảng ủy, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã đã có chủ trương cho các buôn, thôn lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, trên cơ sở vận động nhân dân đóng góp và xã hỗ trợ một phần kinh phí…”. Để thực hiện chủ trương trên, Chi bộ và Ban phát triển nông thôn mới của buôn Mghăn đã tổ chức họp dân để bàn bạc, thống nhất phương án lắp đặt, mức đóng góp, đối tượng miễn giảm, cách quản lý vận hành và cử người giám sát thi công… Với cách làm dân chủ, minh bạch nên người dân trong buôn đóng góp 45 triệu đồng (bình quân mỗi hộ đóng 450.000 đồng), cùng với sự hỗ trợ của xã là 35 triệu đồng đã xây dựng được hệ thống điện chiếu sáng trên 2.000 m trục đường giao thông trong buôn. Đồng thời, người dân trong buôn cũng thống nhất đóng góp mỗi tháng 5.000 đồng/hộ để chi trả tiền điện. Từ khi có hệ thống điện chiếu sáng đã tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt và đi lại vào ban đêm dễ dàng hơn; tình trạng trộm cắp, tai nạn giao thông cũng giảm hẳn, đặc biệt là tạo diện mạo mới cho buôn làng ở vùng sâu, vùng xa. Ông Võ Chương, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết: “Để thực hiện thành công tiêu chí số 4 trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhân dân, Đảng ủy xã đã thống nhất chủ trương triển khai thí điểm mô hình “Thắp sáng đường quê” tại buôn Mghăn. Từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay, mô hình đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn xã hội trên địa bàn. Qua đó tạo động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã…”.
Cũng là mô hình “Thắp sáng đường quê”, nhưng ở thôn 2, xã Hòa Phong lại có cách làm khác. Ông Lê Luôn, Trưởng thôn 2 cho biết: Sau khi Chi bộ và Ban phát triển nông thôn mới của thôn phát động lắp đặt điện chiếu sáng, nhân dân trong thôn rất nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên để giảm chi phí mua đường dây và tiện cho việc quản lý vận hành, 4 hộ liền kề chung nhau lắp đặt một bóng trên cột điện có sẵn, nơi nào khoảng cách quá xa thì làm trụ riêng, mọi chi phí được chia đều cho 4 hộ; đối với những hộ nghèo, hộ khó khăn thì tùy theo khả năng, vì vậy tổng chi phí lắp đặt 20 bóng điện trên 700 m trục đường chính chỉ tốn chưa đến chục triệu đồng; bình quân mỗi hộ chỉ đóng góp 5.000 đồng/tháng để trả cho ngành điện.
Còn ở các xã: Yang Reh, Hòa Lễ, dọc theo Tỉnh lộ 12 trên những đoạn đi qua trung tâm xã và tuyến đường chính ở một số thôn cũng đã lắp đặt hàng trăm bóng điện chiếu sáng bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp và một phần kinh phí hỗ trợ của xã. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cũng như sinh hoạt của nhân dân vào ban đêm; nhiều đoạn đường quanh co trên tuyến đường này trước đây thường xảy ra tai nạn giao thông, thì trong năm 2014 không xảy ra vụ va quệt nào…
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc