Multimedia Đọc Báo in

Nhiều luật có hiệu lực thi hành: "Đường ray" mới cho doanh nghiệp

15:47, 06/01/2015
Trong năm 2014, Quốc hội đã ban hành hàng loạt đạo luật quan trọng có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (DN). Có hiệu lực từ đầu năm 2015, những luật này sẽ giúp môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ, tạo ra "đường ray" mới cho DN phát triển.

Đầu tiên phải kể đến Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới tích cực. Những quy định này đã thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp, theo đó, những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh. Luật Doanh nghiệp đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013; giảm rủi ro, tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của DN; thuận lợi hóa quá trình gia nhập thị trường; giảm bớt thời gian chi phí trong thủ tục thành lập DN. Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi, bổ sung các nội dung giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả cho tổ chức quản trị DN, cơ cấu lại DN, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên công ty; nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với DN; tạo thuận lợi cho các bên có liên quan tham gia vào giám sát hoạt động của DN. Một số thay đổi đáng chú ý trong Luật: DN không phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN; DN được quyền tự quyết về con dấu; chỉ các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là DN nhà nước, thay vì 51% như hiện nay…

Theo đánh giá của một số chủ DN, những điểm mới này là khá thoáng so với trước đây. Chẳng hạn, theo luật mới, DN được tách riêng thủ tục thành lập DN với các thủ tục về đầu tư dự án đã tạo ra cơ hội lớn hơn về khả năng gia nhập thị trường. Bởi khi đó, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là hình thức để Nhà nước ghi nhận sự hình thành và việc gia nhập thị trường của DN. Tại thời điểm thành lập DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN chưa phát sinh, do vậy Luật đã tách biệt rõ giữa thủ tục thành lập DN và thủ tục đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh. Trước đây có một số ngành nghề không tách bạch rõ ràng giữa thành lập DN và kinh doanh có điều kiện; ví dụ như lĩnh vực y tế, bắt buộc cá nhân thành lập DN thì giám đốc phải có chứng chỉ hành nghề. Nhưng theo Luật Doanh nghiệp 2014, cá nhân cứ thành lập DN, còn điều kiện về ngành nghề kinh doanh, cá nhân phải tuân thủ mới được làm. Quy định đó tạo sự thân thiện hơn cho khởi nghiệp và kinh doanh nói chung.

Một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Buôn Đôn.
Một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Buôn Đôn.

Về lĩnh vực thuế và hải quan, nhiều thay đổi cũng hướng đến tạo thuận lợi hơn cho DN. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế tuy chỉ có 6 điều nhưng Luật đã điều chỉnh, sửa đổi một loạt các nội dung quan trọng ở các luật thuế hiện hành, như Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi quy định về một số khoản thu nhập của DN, khoản chi cũng như thuế suất, các ưu đãi về thuế đối với một số lĩnh vực đầu tư, kinh doanh); Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa quy định về thuế đối với cá nhân kinh doanh, thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản). Về thuế GTGT, Luật bổ sung đối tượng không chịu thuế đối với tàu đánh bắt xa bờ; chuyển ba nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế là: phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, với Luật này, trần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, hỗ trợ tiếp thị… sẽ chính thức được dỡ bỏ. Trong khi đó, Luật Hải quan (sửa đổi) quy định rõ việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan. Một điểm quan trọng trong Luật Hải quan mới là việc đẩy mạnh phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cơ chế kiểm tra sau thông quan với thời hạn 5 năm được quy định cụ thể và chặt chẽ cả về đối tượng, điều kiện và chế tài xử lý khi phát hiện vi phạm. Luật cũng bổ sung quy định về cơ chế một cửa quốc gia, theo đó cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan qua một hệ thống thông tin tích hợp; các quy định mới về chế độ ưu tiên đối với DN; hồ sơ hải quan; khai hải quan.

Ngoài ra những Luật Phá sản, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi)... được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, nâng cao năng lực kinh doanh cho các DN. Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Thuế Bùi Văn Chuẩn, những luật mới có quy định vừa chặt chẽ, vừa thông thoáng. Do vậy, khi những luật này đi vào thực tiễn là cơ hội rất lớn cho DN vươn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.