Multimedia Đọc Báo in

Những tín hiệu tích cực trong tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân cơ sở

09:54, 13/01/2015
Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (QTDNDCS) mặc dù có quy mô nhỏ, nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống tín dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều vấn đề nảy sinh tại các QTDNDCS khiến yêu cầu tái cơ cấu đặt ra một cách cấp thiết.
 
Tuy xa lạ với nhiều người dân thành thị vì quy mô của nó rất nhỏ so với các ngân hàng thương mại và chủ yếu phân bổ ở những địa bàn dân cư xa thành phố, thế nhưng hệ thống QTDNDCS đã ra đời từ rất lâu và là nguồn cung cấp tín dụng cho hàng triệu người dân ở nông thôn. Điểm đặc biệt của các QTDNDCS là đặt trụ sở chủ yếu tại khu vực nông thôn, ngoại ô, với đội ngũ nhân viên thường sinh sống gần nơi cư trú và địa bàn kinh doanh của người vay vốn. Vì thế, các quỹ này hiểu khá rõ khả năng chi trả, uy tín của từng cá nhân đi vay, cũng như tiết kiệm được chi phí đi lại để khảo sát và thẩm định khi cho vay. Đây chính là điều mà nhiều ngân hàng thương mại mong muốn nhưng không có được. Lợi thế này đã giúp cho các QTDNDCS có kết quả hoạt động tốt hơn so với một số ngân hàng thương mại. Quan trọng hơn, sự có mặt của QTDNDCS đã giúp nhiều hộ gia đình vay được vốn và phát triển kinh tế. Hình thức quỹ này đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển bền vững kinh tế nông thôn. Bởi tính chất quan trọng của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở mà đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” đã đề cập khá chi tiết về định hướng, giải pháp củng cố và phát triển hệ thống quỹ này. 
Khách hàng đang giao dịch tại QTDNDCS Tân Hòa.
Khách hàng đang giao dịch tại QTDNDCS Tân Hòa.

Việc tái cơ cấu càng trở nên cấp bách khi đã có nhiều vấn đề xuất hiện tại một số quỹ. Đặc biệt là việc lãnh đạo một số quỹ cố tình chiếm đoạt tài sản chung, cho vay sai nguyên tắc, khiến quỹ bị thua lỗ hoặc phá sản. Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Dak Lak (NHNN) Tăng Hải Châu, QTDNDCS mặc dù có quy mô nhỏ, nhưng nếu để nảy sinh vấn đề tại QTDNDCS thì hậu quả để lại không thể lường trước được. Do vậy, trong năm 2014, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các QTDNDCS trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức QTDNDCS giai đoạn 2011-2015” nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành của các QTDNDCS. Đặc biệt là trong Đề án tái cơ cấu nhấn mạnh đến việc củng cố hệ thống kiểm soát nội bộ, chuẩn hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ, kế toán, cũng như hạn chế sự chi phối của một số ít thành viên về vốn điều lệ và hoạt động của quỹ. 

Hiệu quả của việc thực hiện quyết liệt Đề án tái có cấu thể hiện rõ nét nhất tại QTDNDCS Tân Hòa (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột). Trong những năm 2012-2013, QTDNDCS Tân Hòa được đánh giá là đơn vị hoạt động yếu kém, kinh doanh thua lỗ và khách hàng thành viên mất lòng tin. Đến hết năm 2013, QTDNDCS Tân Hòa lỗ lũy kế 679 triệu đồng, nợ xấu nội bảng lên đến 7,24%, nợ tiềm ẩn của đơn vị rất cao. Do vậy, tháng 6-2013 QTDNDCS Tân Hòa đã Đại hội thành viên nhiệm kỳ 2014-2017 và bầu Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát mới. Giám đốc QTDNDCS Tân Hòa Trần Xuân Diện cho biết, sau đại hội thành viên, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để củng cố các hoạt động của mình như: xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm; kiện toàn bộ máy quản trị điều hành; hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ; Hội đồng quản trị rà soát các hệ thống kiểm soát, ban hành nội quy, quy chế phù hợp với thực tế… Với những giải pháp tích cực đến hết năm 2014, QTDNDCS Tân Hòa có 1.188 thành viên; nợ xấu của đơn vị đã giảm từ 7,24% xuống 2,53%; nợ tiềm ẩn không còn; tổng dư nợ đã phát triển trên 32 tỷ đồng (năm 2013 đã có thời điểm tụt xuống dưới 26 tỷ đồng); lãi 822 tỷ đồng (vượt 220% kế hoạch).

Sau 1 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, các QTDNDCS trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đi vào hoạt động ổn định. Đến nay các QTDNDCS có đến 23.527 thành viên, vốn điều lệ của các QTDNDCS đạt 71 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 1.052 tỷ đồng. Quan trọng là nợ xấu chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ và 11/11 QTDNDCS đều kinh doanh có lãi.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc