Quản lý chất lượng trong ngành Nông nghiệp: Cần được quan tâm đầu tư thỏa đáng
Vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) các sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS) là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng…, bởi vậy, cơ quan chức năng đã thường xuyên thanh, kiểm tra nhằm siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng.
Kiểm tra chất lượng tận gốc
Huyện Krông Bông có 292 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm NLTS tập trung nhiều nhất ở thị trấn Krông Kma và các xã lân cận. Để phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá, huyện đã tập huấn nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá xếp loại các cơ sở cho 44 cán bộ chuyên môn, triển khai 2 đoàn thanh, kiểm tra tại 177 cơ sở theo thông tư 14 /2011/TT-BNNPTNT Quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản và đã có kết quả thanh tra đợt 1 (tháng 5 - 2014) với 84 cơ sở, trong đó 7 cơ sở xếp loại A, 77 cơ sở xếp loại B. Song song với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật cho các cơ sở qua đài phát thanh… Tương tự, huyện Buôn Đôn có 93 cơ sở, trong đó có 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, 29 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, 7 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 3 cơ sở giết mổ gia súc, 29 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Qua kiểm tra xếp loại năm 2014, có 47 cơ sở đạt loại A, 34 cơ sở đạt loại B, 7 cơ sở đạt loại C và 5 cơ sở không được xếp loại do thiếu các tiêu chí đánh giá. Trong khi đó, tại huyện Cư Kuin cũng có 270 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm NLTS trên địa bàn, năm 2014, cơ quan chức năng địa phương đã kiểm tra, đánh giá được 92 cơ sở, trong đó 23 cơ sở xếp loại A, 53 cơ sở xếp loại B, 12 cơ sở xếp loại C, 4 cơ sở không được xếp loại.
Khách mua phân bón tại một cơ sở kinh doanh ở thị trấn M’Drak. |
Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT), qua kiểm tra tại các địa phương cho thấy chất lượng hầu hết các loại thủy sản, rau, cà phê… sản xuất trên địa bàn vẫn được bảo đảm. Hầu hết các cơ sở nuôi trồng thủy sản đều sử dụng thức ăn, thuốc, hóa chất trong danh mục cho phép sử dụng, các trại cá giống chấp hành tốt công tác kiểm tra điều kiện vệ sinh… Bên cạnh các đợt kiểm tra liên ngành do Sở NN&PTNT tổ chức, các huyện, thị xã, thành phố còn triển khai từ 1-2 đoàn kiểm tra liên nghành để phát hiện và chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm ở các cơ sở do địa phương quản lý; đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN đều nắm bắt được các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động, cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý…, tuy nhiên một số cơ sở vẫn còn mắc một số lỗi như sắp xếp hàng hóa lộn xộn, để sản phầm trực tiếp trên nền nhà, kinh doanh thuốc BVTV nhưng chưa trang bị các dụng cụ để xử lý kịp thời khi có sự cố thuốc đổ, vỡ…
Cần phải đầu tư lâu dài
Quản lý VTNN, ATTP sản phẩm NLTS là lĩnh vực đòi hỏi lực lượng thực hiện phải có trình độ chuyên môn, có hiểu biết về lĩnh vực này, tuy nhiên hiện tại cán bộ phụ trách về lĩnh vực này vẫn còn thiếu. Ông Hồ Đức Hoàng, Phó Trưởng phòng NN & PTNN huyện Krông Bông cho biết, huyện có 292 cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và sản phẩm NLTS nhưng chủ yếu do 2 cán bộ cấp huyện kiêm nhiệm công tác thanh, kiểm tra, cán bộ cấp xã tuy đã được cấp chứng chỉ nhưng chưa có kinh nghiệm, cán bộ làm công tác quản lý chất lượng chưa được tập huấn, đào tạo về kiến thức ATTP… Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa thanh tra Sở NN & PTNT với địa phương chưa kịp thời nên công tác xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tháng 8 - 2014, Sở NN&PTNT đã tiến hành thanh tra diện rộng quản lý thuốc BVTV, phân bón trên địa bàn huyện tại cơ sở kinh doanh thuốc BVTV Trúc Phượng và đã lập biên bản vi phạm hành chính về lỗi “Người bán hàng không có chứng chỉ, trình độ chuyên môn phù hợp” nhưng đến tháng 12, đoàn thanh tra đợt 2 của huyện kiểm tra cơ sở vẫn tái vi phạm nội dung trên nên địa phương không thể xử phạt thêm lần nữa (vì theo quy định tại khoản 4, điều 3, chương I của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2002 quy định: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần”). Còn tại huyện Ea Kar, một trong những thị trường sôi động nhất về lĩnh vực VTNN với 402 cơ sở sản xuất kinh doanh (giảm 48 cơ sở so với năm 2013) lại chưa thể đánh giá, xếp loại các cơ sở. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết, khó khăn của địa phương là số lượng cơ sở nhiều, địa bàn phân bố rộng, nằm rải rác khắp trên toàn huyện nhưng lại thiếu kinh phí nên chưa thực hiện được công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở theo các hướng dẫn, quy định. Do vậy, mặc dù UBND huyện đã đưa ra những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Thông tư 14 nhưng thiếu kinh phí nên việc xếp loại rất khó khăn. Để bảo đảm chất lượng VTNN, ATTP sản phẩm NLTS, huyện đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí và nhân lực để địa phương triển khai thực hiện tốt.
Lấy mẫu thuốc bảo vệ thực vật tại huyện M’Drak. |
Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết, VTNN, ATTP sản phẩm NLTS là lĩnh vực rộng, đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các sở, ngành liên quan cùng phối hợp để thanh tra, quản lý như Sở Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh… Năm 2015, Sở tiếp tục triển khai thực hiện việc hoàn thiện hệ thống về Luật ATTP trên địa bàn, tăng cường công tác giám sát, thanh, kiểm tra có trọng điểm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan trong hoạt động quản lý chất lượng để tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng VTNN, ATTP sản phẩm NLTS; xây dựng tiêu chí giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý VTNN, ATTP sản phẩm NLTS cho từng đơn vị, huyện, xã; giới thiệu mô hình điểm, các tập thể, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về chất lượng NLTS…, tổ chức tập huấn kiến thức ATTP, phổ biến văn bản pháp luật mới cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, duy trì lấy mẫu giám sát trên diện rộng kết hợp với thông tin vi phạm ATTP từ các nguồn khác nhau làm cơ sở đánh giá, xếp loại…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc