Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

19:22, 02/01/2015
Trong những năm qua, TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.
Một con đường bê tông mới được xây dựng tại xã Ea Tu. Ảnh: H.G
Một con đường bê tông mới được xây dựng tại xã Ea Tu. Ảnh: H.G

Trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch theo lĩnh vực và quy hoạch nông thôn mới, TP. Buôn Ma Thuột đã thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường cơ giới hóa, điện khí hóa; áp dụng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Lĩnh vực trồng trọt được quan tâm đầu tư từ khâu quy hoạch, công tác giống đến ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Thành phố đã bố trí cán bộ nông nghiệp, thú y và khuyến nông tại các xã, phường có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn; đồng thời phân bố khoảng 1 tỷ đồng/năm để triển khai thực hiện công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết 4 nhà, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường. Đơn cử như: mô hình cánh đồng mẫu lúa nước tại thôn Tân Hưng và cánh đồng mẫu lúa lai tại buôn Kao, xã Ea Kao giúp nông dân biết tập trung gieo trồng đồng bộ các giống lúa mới kháng sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, năng suất tăng so với truyền thống từ 1,5-2 tấn/ha, thu nhập tăng thêm trên 16 triệu đồng so với sản xuất truyền thống; Chương trình phát triển sản xuất cà phê bền vững theo hình thức công – tư phối hợp tại các xã Hòa Thuận, Hòa Thắng, Ea Kao mang lại hiệu quả cao... Lĩnh vực chăn nuôi từng bước chuyển dịch từ giống truyền thống năng suất thấp sang giống lai cho năng suất cao hơn. Nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là chăn nuôi động vật hoang dã phát triển mạnh; xây dựng được thương hiệu đàn nai tại xã Cư Êbur với 2.555 con, hình thành làng nghề nuôi thỏ tại xã Ea Tu với quy mô hơn 7.000 con... Trên địa bàn thành phố hiện có 149 trang trại chăn nuôi phát triển tốt và hiệu quả hơn hẳn chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô kinh tế hộ; một số trang trại đã ứng dụng hệ thống ăn uống tự động và hệ thống điều hòa nhiệt độ trong chuồng trại.

Nông dân tham quan mô hình trồng hoa hồng ở phường Ea Tam.   Ảnh: H.G
Nông dân tham quan mô hình trồng hoa hồng ở phường Ea Tam. Ảnh: H.G

TP. Buôn Ma Thuột cũng tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, y tế... nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hiện đại; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị. Chỉ tính trong 3 năm (2011-2013), thành phố đã huy động từ các nguồn lực hơn 335 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Riêng năm 2014, tổng giá trị đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố đạt 7.059 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2013, qua đó đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 46 công trình. Mạng lưới giao thông nông thôn từng bước được mở rộng; đặc biệt, năm 2014, thành phố đã hỗ trợ xi măng cùng với nhân dân 8 xã và phường Khánh Xuân làm được hơn 45km đường ngõ xóm, trong đó người dân đóng góp hơn 14,3 tỷ đồng. Hệ thống lưới điện được tập trung đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, đến nay 100% số xã có lưới điện quốc gia; 100% thôn, buôn có điện; 99,85% hộ được dùng điện. Hệ thống chợ nông thôn từng bước được đầu tư, nâng cấp: hiện 8 xã có 9 chợ nông thôn nằm trong quy hoạch mạng lưới chợ, trong đó có 2 chợ loại II. Hệ thống trường lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường đầu tư; 6/8 xã có khu thể thao liên thôn, buôn diện tích trên 1.500m2; 100% xã có điểm bưu điện văn hóa, có mạng Internet đến thôn, buôn, được phủ sóng truyền hình và có hệ thống truyền thanh cơ sở. Tính đến hết năm 2014, TP. Buôn Ma Thuột đã có 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (Hòa Thuận, Ea Kao); 1 xã đạt 17 tiêu chí; 2 xã đạt 11 tiêu chí; 1 xã đạt 10 tiêu chí.

Song song với đó, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân đã được nâng cao rõ rệt. Bên cạnh việc triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho nông dân, thành phố đã triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hàng nghìn lượt hộ nghèo đã được vay vốn ưu đãi, trong đó nhiều hộ đã sử dụng nguồn vốn hiệu quả, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt về y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở, nước sinh hoạt... Đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn 1,49% và hộ cận nghèo 2,81%.

Có thể nói, từ khi được triển khai vào năm 2008 đến nay, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã mang lại hiệu quả tích cực. Cơ cấu kinh tế của TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tỷ trọng nông lâm nghiệp đến cuối năm 2014 chiếm 6,36% (giảm hơn 6% so với năm 2008); giá trị sản xuất nông lâm nghiệp năm 2014 đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2013; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 95 triệu đồng (năm 2013 là 87,75 triệu đồng). Nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn được nâng lên; đặc biệt, nông dân trên địa bàn thành phố đã từng bước nâng cao ý thức, trình độ, phát huy vai trò làm chủ nông thôn mới, góp phần tích cực công nghiệp hóa – hiện đại hóa khu vực nông thôn.

Trong những năm tới, TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong đó tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, tạo thành chuỗi giá trị trong các loại sản phẩm chủ lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông dân và người dân ở khu vực đô thị; xây dựng nông thôn có cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, kinh tế-xã hội phát triển, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

 Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.