Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Vẫn còn lúng túng cách tính tiêu chí thu nhập

16:07, 06/01/2015
Xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sinh sống ở địa bàn nông thôn. Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong cách tính tiêu chí thu nhập.

Theo quy định về tiêu chí số 10 thu nhập, đến năm 2015 xã ở miền núi đạt tiêu chí nông thôn mới phải có mức thu nhập bình quân đầu người là 19 triệu đồng và tăng lên 24 triệu đồng vào năm 2020. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên mỗi địa phương hiểu theo một cách, từ đó chưa phản ánh đúng thực trạng mức sống của người dân.

Đối với một xã, thị trấn ở nông thôn, khi tính toán thu nhập bình quân đầu người xét ở tầm vĩ mô thì không thể tính theo cách tính tổng sản phẩm nội địa GDP (Gross Domestic Product) hay theo cách tính tổng sản phẩm quốc gia  GNP (Gross National Product). Bởi lẽ, cả hai cách tính trên thuộc tầm vĩ mô, còn ở nông thôn thì việc tính mức thu nhập bình quân đầu người cần phải phản ánh được hai mặt.

Thứ nhất, mức thu nhập của người dân nông thôn cần phải tính theo công thức: Tổng giá trị sản phẩm bán ra từ trồng trọt, chăn nuôi + Dịch vụ, nghề phụ (nếu có) + Thu nhập công nhân viên chức trên địa bàn – Chi phí sản xuất = Thu nhập thuần túy. Cách tính này sẽ phản ánh một cách tương đối chính xác về thực trạng đời sống của người dân trong năm kế hoạch của địa phương đó.

Thứ hai là tính tổng mức thu nhập chưa trừ chi phí theo công thức: Tổng giá trị sản phẩm bán ra từ trồng trọt, chăn nuôi + Dịch vụ, nghề phụ  + Thu nhập của các doanh nghiệp, nhà máy do xã quản lý (nếu có) = Tổng giá trị  thu nhập. Cách tính này dùng để phản ánh tốc độ tăng truởng kinh tế của một địa phương tại thời điểm mỗi giai đoạn hoặc cuối mỗi năm kế hoạch.

Theo đó, cách tính thứ nhất thường được các địa phương sử dụng nhiều hơn, nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể nên có địa phương chỉ tính tổng thu nhập mà không tính trừ phần chi phí sản xuất, nên mặc dù mức thu nhập của người dân đạt cao, song trong thực tế cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Ngược lại có địa phương lại định mức chi phí sản xuất quá cao (giao động từ 50 – 70% chi phí tùy theo loại cây trồng), nên mức bình quân thu nhập đầu người thấp, khiến không đạt kế hoạch đề ra.

Đây cũng là một nghịch lý, khi thoạt nhìn vào các thiết chế hạ tầng, nhà ở dân cư của một địa phương nào đó nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những “thay da đổi thịt” của một vùng quê, song khi hỏi về bình quân thu nhập đầu người thì lại đạt dưới mức bình quân chung của huyện, tỉnh. Ngược lại, trong báo cáo đánh giá phản ánh người dân có mức thu nhập khá cao, nhưng đời sống của người dân không tương xứng.

Thiết nghĩ, để thống nhất cách đánh giá tiêu chí số 10 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các ngành chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.