Cà phê kém chất lượng: "Con sâu làm rầu nồi canh"
Những năm qua, chính quyền, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực xây dựng thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột với nhiều loại sản phẩm có uy tín trên thị trường trong nước và thế giới. Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn chân chính, một số cá nhân, cơ sở sản xuất hám lời đã chế biến ra những loại cà phê không bảo đảm chất lượng gây thiệt thòi cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến tiếng tăm của thương hiệu này.
Lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản tại cơ sở chế biến cà phê của ông Nguyễn Đình Quang tại thôn 13, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chưa có thống kê về số lượng các cơ sở chế biến cà phê theo phương pháp pha trộn, nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sản xuất cà phê bột không tốn nhiều chi phí đầu tư, sản phẩm dễ tiêu thụ, nên một số cá nhân đã bất chấp lợi nhuận mở cơ sở sản xuất sản phẩm chất lượng kém để kiếm lời. Bên cạnh đó, thói quen uống cà phê sai lầm của một bộ phận khách hàng cũng vô tình tiếp tay cho hiện tượng này. Cụ thể, nhiều người uống cà phê thường thích ly cà phê có màu đen đậm, độ đặc sánh, đánh sủi bọt, vị đắng và thơm, nắm bắt thị hiếu này, những người chế biến đã thêm phụ gia, hương liệu vào sản phẩm cà phê. Hiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều quán cà phê phục vụ cà phê nguyên chất xay tại chỗ cho khách hàng uống hoặc mua làm quà biếu được nhiều người ưa chuộng. Là “tín đồ cà phê”, anh Đinh Xuân Hoàng, ở phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột thường chọn các quán cà phê nguyên chất xay tại chỗ để uống, đồng thời, mỗi lần mua để làm quà, anh cũng cẩn thận đến các địa điểm sử dụng cà phê sạch, rang xay thủ công, tuy bao bì không đẹp nhưng chất lượng tốt.
Sử dụng đậu nành để sản xuất cà phê bột tại một cơ sở chế biến ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột. |
Các sản phẩm cà phê kém chất lượng xuất hiện trên thị trường bên cạnh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, còn tác động đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làm ăn chân chính, chế biến sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Công ty cà phê An Thái cho biết, cà phê nguyên chất được bán với giá bình quân 150.000 đồng/kg, trong khi đó, các loại cà phê pha trộn tạp chất giá quá bèo, đã dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường. Để hạn chế tình trạng cà phê kém chất lượng len lỏi vào thị trường, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng cà phê, xử lý ngiêm các hành vi sản xuất, buôn bán sản phẩm không đạt chất lượng của các cơ sở sản xuất, quán cà phê. Bên cạnh đó, khách hàng cần biết cách phân biệt cà phê nguyên chất và cà phê pha trộn để chọn lựa sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe.
Trên thực tế, công tác kiểm soát chất lượng cà phê trên địa bàn vẫn còn những khó khăn do một số các hộ, cơ sở rang xay gia công cà phê bột mà không đăng ký với cơ quan chức năng. Theo ý kiến của các DN chế biết cà phê bột trên địa bàn, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ sản phẩm cà phê từ chế biến, rang xay đến tiêu thụ trên thị trường, xúc tiến thành lập hiệp hội rang xay cà phê sạch để trách tình trạng “Con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, lợi ích của các DN, cơ sở làm ăn chân chính cũng như sức khỏe người tiêu dùng.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc