Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng khi mua cây cảnh chơi Tết

10:45, 09/02/2015

Thời điểm gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu người mua cây cảnh tăng lên rất nhiều so với ngày thường. Lợi dụng điều này, một số người đã tạo ra những cây cảnh giả có thế đẹp đem bán để lừa người tiêu dùng hòng kiếm lời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng làm cây cảnh giả này bắt đầu từ những “nghệ nhân cây cảnh” từ các tỉnh phía Bắc và xuất hiện nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột trong khoảng 5 năm trở lại đây. Thủ đoạn của những người này là dùng keo dán con voi 502 dán quả, cành để tạo thế, tạo dáng cây để qua mắt người mua cây cảnh. Mỗi ngày chỉ cần bán được một vài cây cảnh giả này là người bán đã có tiền triệu, đặc biệt là dịp cuối năm gần tết.
Ông Nguyễn Trọng Lưu, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột  chăm sóc cây cảnh mới mua chuẩn bị chơi Tết.
Ông Nguyễn Trọng Lưu, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột chăm sóc cây cảnh mới mua chuẩn bị chơi Tết.

Cây cảnh giả sau khi được biến hóa như thật được chở bằng xe máy đi bán dạo với số lượng 4 - 5 cây/chuyến, trong đó, nhiều nhất là cây sung, lộc vừng, mai… có hình dáng đẹp mắt, giá bán rất rẻ. Để tránh rủi ro khi bị người mua phát hiện cây giả, những người này không bao giờ cố định nơi bán hàng, mà rong ruổi khắp nơi và rất hiếm khi quay lại vị trí cũ. Những trường hợp hay mua phải cây cảnh giả chủ yếu là người chơi sinh vật cảnh nghiệp dư, không am tường về cây, giới công chức mua về để chưng dịp tết hay vào nhà mới. Cây cảnh giả được làm với tay nghề rất cao, những người không rành về cây cảnh thì rất khó phân biệt được. Anh Nguyễn Văn Khánh, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn bực tức khi nhắc đến chuyện bị ăn quả lừa vì mua phải cây cảnh giả. Anh kể, cận tết năm trước, anh mua chậu mai vàng hình dáng khá đẹp, giá 1,5 triệu đồng của một người bán dạo trên đường Lê Duẩn, nhưng đến ngày mùng 1 thì thấy cây lá héo, hoa rụng hết, mới té ngửa đó là cây được làm giả, mang nỗi bực dọc suốt cả mấy ngày tết. Đem “cây lộc” vứt ra góc vườn, hết tết kiểm tra anh mới biết cây đã bị thối rễ, thân cây được dán rêu mốc như cây tươi, xung quanh thân được khoét lỗ cấy cành mai có lá nhỏ, nụ và hoa! Mới cách đây chưa đầy 1 tháng, anh Nguyễn Khang Ninh ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin cũng dính bẫy cây cảnh giả. Bán được ít cà phê vừa thu hoạch xong, trong một lần lên TP. Buôn Ma Thuột, anh mua một cây sung nhỏ nhưng hình dáng đẹp, nhiều chùm quả treo lủng lẳng với giá 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, đem về đặt trước nhà được hai ngày thì lá, quả bắt đầu héo vì cây bị làm giả.

Theo những người có thâm niên chơi cây cảnh, việc “phù phép” cây giả thành thật cũng rất công phu: trước hết người ta cắt tỉa hết những cành xấu, lá sâu trên cây, tạo dáng và cho vào bầu để chăm sóc. Trước khi đem đi bán, họ đánh dấu những vị trí cần cho thêm quả rồi khoan lỗ cho keo để dán quả vào các thân, cành cây. Điểm nối nào để lại dấu vết hoặc bị xước, thì dán thêm rêu mốc, rồi mới cho vào chậu. Điều khiến người mua khó phát hiện là quả được dán hết sức tinh vi, đồng thời, tùy theo kích thước cây sẽ dán thêm lượng quả phù hợp để cây tự nhiên như thật. Bởi vậy để tránh bị thiệt hại do mua phải cây cảnh giả, người mua cần xem cây một cách kỹ lưỡng để phát hiện các dấu hiệu bất thường trên cây như vết dán, lỗ khoan trên thân cây và nên đến các địa chỉ kinh doanh sinh vật cảnh uy tín để mua.

 Minh Chi 


Ý kiến bạn đọc