Chuyện làm giàu của những nông dân trên vùng đất khó
Người bệnh binh giàu nghị lực
Năm 1990, do cuộc sống nơi quê nhà quá khó khăn, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà vẫn không đủ ăn, gia đình bệnh binh Hồ Văn Ngọc quyết định đi xây dựng kinh tế mới tại thôn Hồ, xã Cư Mta, huyện M’Drak. Những ngày đầu trên vùng đất mới, cuộc sống của gia đình ông Ngọc gặp vô vàn thử thách: các con còn nhỏ, vốn liếng không có, bản thân ông lại thường xuyên bị căn bệnh sốt rét và những vết thương cũ tái phát hành hạ. Không cam chịu đói nghèo, ông động viên vợ con tích cực khai hoang lấy đất canh tác, trồng lúa, ngô, đậu đỗ và chăn nuôi gà, heo... Tuy nhiên, do chưa nắm được quy luật khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng, cây trồng và vật nuôi của gia đình ông năng suất thấp, cuộc sống vẫn bấp bênh. Không nản trí, ông Ngọc đến các nơi trong và ngoài tỉnh học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế đồng thời học hỏi từ sách, báo để áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi và sản xuất, cách chọn cây, con giống phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông đầu tư vốn trồng 5 ha mía song cây mía cho năng suất không cao, thị trường đầu ra không ổn định.
Nông dân Hồ Văn Ngọc, thôn Hồ, xã Cư Mta (huyện M'Drak) đang vận hành máy bơm nước vào ruộng lớn. |
Ông Ngọc quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích trên sang trồng lúa chất lượng cao. Bằng cách chọn giống thật kỹ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và sử dụng phân bón sinh học để đảm bảo sản phẩm không bị nhiễm hóa chất, trong những năm qua, diện tích lúa nhà ông Ngọc luôn phát triển tốt, năng suất đạt trên 60 tạ/ha. Mỗi năm gia đình ông thu trên 60 tấn lúa chất lượng cao, với giá bình quân 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi từ 180-200 triệu đồng. Ngoài 5 ha lúa ước chất lượng cao, gia đình ông Ngọc còn trồng 1 ha sắn, 2 ha keo, chăn nuôi thêm bò, heo, gà... mỗi năm cho thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng. Kinh tế ổn định, gia đình ông đã xây được căn nhà khang trang, mua sắm được những phương tiện đắt tiền phục vụ sinh hoạt trong gia đình và có điều kiện nuôi các con ăn học đầy đủ.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Ngọc còn tích cực tham gia công tác xã hội. Từ năm 1991 đến năm 2011, ông công tác tại HĐND, UBND xã Cư Mta và hiện nay là Bí thư Chi bộ buôn Ăk. Ở lĩnh vực công tác nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Người nông dân năng động vượt khó
Để có được mô hình sản xuất hiệu quả như hiện nay, gia đình ông Lê Duy, nông dân thôn 4, xã Ea Lai (huyện M’Drak) cũng đã phải trải qua vô vàn khó khăn, vất vả. Thời gian đầu, vợ chồng ông chăm chỉ khai khẩn đất hoang để trồng hoa màu, đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Năm 2005, ông Duy được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Với số tiền vay được, ông đầu tư chuyển đổi 3 ha hoa màu sang trồng mía. Năm 2010, ông lại tiếp tục đầu tư trồng 500 trụ tiêu. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa sản xuất vừa đầu tư, sau 16 năm từ Nghệ An vào lập nghiệp tại thôn 4, xã Ea Lai, đến nay gia đình ông Duy đã xây dựng được mô hình kinh tế với 1.800 trụ tiêu, trong đó có 500 trụ đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 4 kg/trụ, 3 ha mía. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm bò, gà để tăng thu nhập. Từ tất cả các nguồn, mỗi năm gia đình ông Duy thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Nông dân Lê Duy thôn 4, xã Ea Lai (M'Drak) đang chăm sóc hoa mai nhân dịp Tết đến xuân về. |
Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã được các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện M'Drak tích cực triển khai từ huyện đến cơ sở và đạt được kết quả cao. Tính riêng năm 2014, toàn huyện có 2.260 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Mỹ Sự - Thúy Diệp
Ý kiến bạn đọc