Multimedia Đọc Báo in

Con đường hiện thực giấc mơ thương hiệu nông sản vùng biên

16:02, 26/02/2015

Việc xây dựng thương hiệu hàng hóa rất khó đối với Ea Súp, một huyện biên giới, nhưng chỉ có tạo nên thương hiệu thì nông sản mới tìm được đầu ra ổn định. Chính vì vậy, Đảng bộ huyện Ea Súp đã có nghị quyết về việc xây dựng thương hiệu nông sản, cố gắng khắc phục những khó khăn đặc thù để đưa thương hiệu nông sản Ea Súp đến tận tay người tiêu dùng,  góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của địa phương.

Những “vua lúa” trên bình nguyên Ea Súp

Năm 1978, ông Nguyễn Văn Ý rời quê lúa Vũ Thư (Thái Bình) vào xã biên giới Ea Bung lập nghiệp, ban đầu do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất nên phải làm thuê làm mướn. Với kinh nghiệm sẵn có của một người sinh ra, lớn lên từ vựa lúa Thái Bình, ông cũng có được những kinh nghiệm của nghề “ném lúa”, những ruộng lúa ông ném mọc đều, người dân không phải dặm trước lúc lúa đẻ nhánh nên mùa gieo sạ, ông được người dân nơi đây thuê mướn liên tục, nhiều người chấp nhận trả công cao hơn để ông ném lúa cho mình. Nhờ những tháng ngày ném lúa thuê, ông có thêm cho mình chút ít vốn liếng mua đất sản xuất, dần dần nâng diện tích lúa lên 3 ha. Ông tâm sự, sinh ra giữa đường cày, lớn lên quanh cây rơm gốc rạ nên khi quyết định vào Dak Lak ông chỉ nghĩ đến cây lúa, làm lúa nên đã mang theo một ít lúa giống vào sản xuất. Thiếu nước, lúa vẫn cứ lớn phổng phao nhưng thân khô xạp, hạt không chắc, khi kênh mương được kiên cố hóa, bà con nông dân rất phấn khởi sản xuất, năng suất tăng liên tục nên năm 2011 anh đầu tư mua máy gặt đập liên hợp 240 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày gặt được 3 ha với giá 6 triệu đồng, trong đó 2,5 triệu đồng tiền dầu, công khoảng 1 triệu đồng còn lại anh bỏ túi.

Tương tự, anh Phạm Công Thành thôn 8, xã Ea Bung cũng được xem là vua lúa của người dân nơi đây khi gia đình có 10 ha lúa tại xã Cư M’lan. Ban đầu là đất rẫy, chỉ trồng hoa màu một mùa, nhưng khi kênh mương được bê tông hóa nước về đầy đồng nên anh thuê máy san ủi đất bằng phẳng để làm ruộng. Anh cho biết, diện tích lớn nhưng chỉ có 3 thửa, các công đoạn sản xuất đều sử dụng máy móc nên hiệu quả sản xuất rất cao. Để sạ đúng lịch thời vụ anh phân chia sạ lúa theo ba đợt với ba giống khác nhau ML48, IR64, bắc thơm. Hằng năm anh dành một đám trồng lúa nguyên chủng, sau đó sử dụng nó để sạ đại trà nên giảm được chi phí giống rất lớn mà lúa vẫn đạt năng suất cao. Hiện tại bình quân mỗi năm anh thu về gần 200 tấn lúa, lãi hơn 400 triệu đồng. Nguồn nước dồi dào, làm lúa đã gần như cơ giới hóa 80%, nếu có người bán anh vẫn mở rộng diện tích với điều kiện ruộng phải liền kề với những thửa sẵn có. 

Người dân tham quan mô hình lúa năng suất cao tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp.
Người dân tham quan mô hình lúa năng suất cao tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp.

Vụ đông xuân 2013-2014 huyện Ea Súp đã triển khai hai mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Ea Bung và Ea Lê, sự thành công của mô hình không phải là năng suất niên vụ đó tăng cao mà chính sự thay đổi nhận thức của người dân về hình thức gieo trồng tập trung trên một diện tích lớn cùng một giống lúa vừa bảo đảm nước tưới, chăm sóc, phòng trừ bệnh hiệu quả, dịch bệnh ít xảy ra nên chất lượng gạo rất bảo đảm. Bà Nguyễn Thị Bình, chủ một cơ sở xay xát tại thôn 2, thị trấn Ea Súp cho biết, gạo Ea Súp nổi tiếng dẻo, dễ ăn, đặc biệt là giống lúa hạt tròn cơm dẻo ML48, cứ xay xát tới đâu bán sạch tới đó. 

Với lợi thế về nguồn nước từ hồ thủy lợi Ea Súp Thượng, Ea Súp Hạ và đập dâng Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) diện tích lúa trong tương lai sẽ cao hơn con số 15.000 ha mỗi năm, lúa hai vụ sẽ tăng lên, chủ động được nguồn nguyên liệu ổn định để xây dựng, phát triển thương hiệu lúa gạo Ea Súp. Ông Hoàng Thế Nghị, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng cho biết, gạo Ea Súp nổi tiếng ngon, cơm dẻo, được nhiều người ưa chuộng, vào đầu mùa gặt nhiều doanh nghiệp từ nơi khác đến tận nhà, ra tận ruộng phát bao bì để được người dân bán lúa cho mình nhưng sau khi xay xát lại xuất hiện trên thị trường dưới nhãn mác là gạo Phú Yên, miền Tây… Còn các máy xay xát tại địa phương mới chỉ là dạng tách vỏ, sàng tấm chứ chưa có máy đánh bóng, gia công… nên hạt gạo làm ra vẫn chưa xứng tầm, đây cũng đang là một lỗ hổng lớn khiến giá cả nông sản của địa phương luôn trong cảnh bấp bênh, mất giá. Huyện Ea Súp đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa lúa gạo Ea Súp gửi cho Sở Khoa học và Công nghệ. Người dân nơi đây đang mơ ước về một thương hiệu lúa nơi vùng biên sẽ sớm thành hiện thực để góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Nâng tầm cho bò thịt

Không những có vựa lúa lớn, mười năm trở lại đây Ea Súp còn nổi tiếng với những đàn bò lên đến hàng trăm con giữa đồng cỏ mênh mông. Với diện tích rừng trên 125.000 ha, 40.000 ha nương rẫy, đồng ruộng, huyện có lợi thế chăn nuôi đại gia súc dưới tán rừng và quy mô trang trại. Hiện tại toàn huyện có 25 trang trại chăn nuôi trâu, bò chiếm 32% tổng số trang trại toàn huyện. Dự án chăn nuôi bò thịt dưới tán rừng được triển khai từ năm 2005-2008 do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chuyển giao công nghệ đã xây dựng thành công 6 trang trại chăn nuôi bò thịt dưới tán rừng với mức tăng trọng bình quân 689 - 735g/con/ngày. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi đã tiếp cận được kỹ thuật vỗ béo bò bằng cách trồng cỏ, ủ rơm, cải tạo hóa đàn bò bằng các giống bò lai, bò ngoại nhập... nên hiệu quả kinh tế tăng từ 30 - 34%.

Gia đình bà Đỗ Thị Vân, ở thôn 6, xã Cư M’lan, một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế bằng trang trại chăn nuôi bò với đàn bò gần 60 con cho biết, trước đây gia đình chăn nuôi bò theo kinh nghiệm, không chú trọng thay giống bò đực nên đàn bò bị thoái hóa giống, nhỏ dần, bò mẹ mang thai, cho con bú không có chế độ dinh dưỡng riêng nên bê con sức khỏe yếu, chuyện bê bị còi cọc, chết là chuyện bình thường. Từ khi được tiếp cận với kỹ thuật lai tạo giống với bò lai, ngoại nhập, vỗ béo bò thì tình trạng trên không còn nữa, vóc dáng đàn bò được cải thiện, thịt nhiều nên bán được giá hơn. Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Tìa trú cùng thôn cũng có trang trại bò hơn 270 con. Bà cho biết, cỏ dưới tán rừng mùa mưa rất dồi dào, đàn bò tăng trọng nhanh nhưng mùa khô lại gầy sọp đi do thiếu thức ăn, nước uống. Để bổ sung chất dinh dưỡng cho đàn bò, gia đình đã trồng 1 ha cỏ voi, 10 ha bắp luân phiên để bổ sung thức ăn xanh, lấy tinh bột... vỗ béo bò. Phân bò sau khi tận dụng để bón cho bắp, cỏ thì xuất bán với giá 25.000 đồng/bao 25 kg, đủ mọi chi phí sinh hoạt, nhân công... Hiện nay, thị trường bò thịt rất sôi động, người dân nuôi tới đâu bán tới đó với mức giá khá cao từ 7 - 17 triệu đồng/con tùy kích thước bò, nhưng người chăn nuôi vẫn chỉ bán qua các thương lái nên thường xuyên bị ép giá. 

Trang trại chăn nuôi bò của bà Nguyễn Thị Tìa.
Trang trại chăn nuôi bò của bà Nguyễn Thị Tìa.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn huyện hiện có 14.516 con bò, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm từ 20 - 25% chủ yếu là bò Lai Sind, Brahman, phân bố tập trung ở các xã Cư M’lan, Cư Kbang, Ea Rốc, Ya Lốp, Ia R’vê… Hiện đã có tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, TH True Milk chuyên về bò thịt, bò sữa tiến hành khảo sát các hộ chăn nuôi trên địa bàn, tạo sự phấn khởi cho người dân. Hiện tại, bò ở địa phương chủ yếu bán cho thương lái, giá chưa cao, nhưng thời gian tới tình trạng này sẽ không còn nữa nhờ một số doanh nghiệp đến địa bàn để liên kết sản xuất, sẵn sàng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bò thịt của người dân. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích bà con đưa vào nuôi các giống bò nhập ngoại theo dạng bán chăn thả để cải thiện từng bước chất lượng đàn bò.

Ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, xây dựng thương hiệu còn nhiều việc phải làm như cơ cấu giống, kỹ thuật sản xuất, sản lượng, chế biến, kiểm định chất lượng… Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, địa phương đang có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đến đầu tư như: miễn, giảm tiền thuê đất tại cụm công nghiệp Ea Lê, giảm thuế… 

Chứng kiến những việc làm, mô hình sản xuất nơi vùng biên khắc nghiệt đang phát huy hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ea Súp, con đường xây dựng thành công những thương hiệu nông sản địa phương sẽ không còn xa nữa, khi đó cuộc sống của người dân vùng biên sẽ được cải thiện nhiều hơn.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.