Đẩy mạnh phát triển cây ăn trái: Hướng đi mới của nông nghiệp huyện Buôn Đôn
Vốn dĩ là vùng đất “khó” nên việc phát triển các loại cây trồng ở huyện Buôn Đôn cũng khó khăn hơn những vùng khác. Thế nhưng, thời gian qua người dân nơi đây cũng tìm được hướng đi phù hợp, đó là phát triển các loại cây ăn trái theo hướng xen canh đã đem lại thu nhập cao.
Mô hình hiệu quả
Theo chân anh nông dân Huỳnh Thanh Phong đi thăm vườn quýt đường trồng xen cà phê, thật khó tưởng tượng giữa gần 2 ha cà phê là những cây quýt trĩu quả đang chờ ngày thu hoạch. Anh Phong cho biết, trước đây mua đất chủ yếu để trồng cây cà phê nhưng vì đất đồi bạc màu, nhiều sỏi đá nên cây cà phê phát triển không tốt, năng suất thấp. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy đất đai, khí hậu nơi đây tương đối phù hợp với cây quýt đường, nên năm 2011, gia đình đã mạnh dạn trồng xen 700 cây quýt đường trong vườn cà phê. Sau 2 năm kiến thiết cơ bản, đến tháng 6 - 2013, cây đã cho thu hoạch bói mùa đầu tiên gia đình anh đã thu về hơn 80 triệu đồng, đến nay vườn cây cho năng suất khoảng 60kg/cây mỗi năm. Theo anh Phong, kỹ thuật trồng cây quýt đường không khó nhưng phải chăm sóc, và theo dõi sâu bệnh thường xuyên. Để trồng được quýt đường cho năng suất cao nhất, ngoài việc chọn cây giống tốt, sạch bệnh, còn phải áp dụng tiến bộ khoa học để chăm sóc cây. So với vùng đồng bằng Nam Bộ thì cây quýt đường trồng ở Dak Lak cho năng suất và tuổi thọ vườn cây cao hơn. Cây quýt cho thu hoạch quanh năm nên lợi nhuận khá cao, bình quân một năm có thể thu được 1 triệu đồng/cây. Dự kiến, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, gia đình sẽ thu về tầm 200 triệu đồng từ cây quýt. Ngoài hộ anh Phong, còn nhiều hộ trong vùng cũng đã trồng với diện tích khá lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Huỳng Văn Lố, với diện tích 8 sào (vừa xen cây nhãn, vừa trồng thuần) đã thu hoạch được 8 năm, năng suất đạt 1 tạ/cây. Hay hộ ông Huỳnh Tấn Quốc, vừa trồng xen nhãn và trồng thuần với diện tích trên 2 ha, năng suất đạt 60 kg/cây…Theo những nông dân này thì hiện sản lượng quýt đường của Dak Lak chưa cung ứng đủ cho thị trường trong tỉnh nên tiềm năng đầu ra còn rất lớn và cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng điều, cà phê, lại thích hợp với những vùng đất bạc màu, sỏi đá. Chính vì năng suất, lợi nhuận cao, thị trường tiêu thụ ổn định nên hiện có nhiều nông dân chuyển sang trồng quýt đường. Theo anh Huỳnh Thanh Phong, để tránh bị tư thương ép giá khi diện tích tăng nhiều, đồng thời tạo thị trường đầu ra ổn định, những hộ trồng quýt trong vùng đã lên kế hoạch liên kết thành lập hợp tác xã, xây dựng thương hiệu và hình thành vùng sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị và thu nhập cho người trồng quýt.
Ông Y Kim Êban (bìa trái) đi kiểm tra cây trồng ở các hộ được hỗ trợ giống cây ăn trái. |
Khai thác thế mạnh của vùng
Nhận thấy được thế mạnh phát triển cây ăn trái của vùng, năm 2014, huyện Buôn Đôn đưa Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2013-2015 vào thực tiễn. Bên cạnh quan tâm xác định điều kiện thực tế về đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương, thì trong quá trình chuyển đổi, huyện đã ưu tiên công tác cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn trái có giá trị, đang được thị trường ưa chuộng, góp phần giúp người dân có thể tăng thêm thu nhập, cũng như tạo động lực tham gia thực hiện ngay từ bước khởi đầu. Theo đó, người dân tham gia cải tạo vườn tạp sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ về cây giống, phân bón, kỹ thuật để cải tạo vườn, trang trại theo quy chuẩn. Những loại cây được chọn để trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương như: xoài, bưởi da xanh, dừa xiêm, chanh không hạt. Đến nay sau gần 3 tháng thực hiện, huyện Buôn Đôn đã chuyển đổi được 32 ha, với 117 hộ tham gia tại các xã Ea Huar, Ea Nuôl và Krông Na, hiện các loại cây trồng đã và đang phát triển tốt. Ông Y Blương Bkrông, xã Krông Na, một trong những hộ được hưởng lợi từ đề án cho biết, đầu tháng 7-2014, ông được hỗ trợ 32 cây giống các loại như: bưởi, dừa xiêm, phân bón và kỹ thuật chăm sóc để cải tạo vườn tạp. Đây là những loại cây khá mới mẻ với gia đình, nhưng nhờ thường xuyên học hỏi kinh nghiệm và cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nên hiện bưởi và dừa đang phát triển tốt.
Vườn quýt trồng xen cà phê của hộ anh Huỳnh Thanh Phong, buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. |
Ông cho biết: “Trước đây, vườn nhà tôi chỉ trồng điều và các loại cây trồng ngắn ngày khác cho thu nhập thấp, gia đình hy vọng sau khi bưởi và dừa ra trái, tiêu thụ được sẽ giúp gia đình có tăng thu nhập, cải thiện đời sống”. Theo ông Y Kim Êban, Buôn trưởng buôn Niêng 2, xã Ea Nuôl, cả buôn có 16 hộ được hỗ trợ một số cây ăn trái như sầu riêng, xoài… để trồng xen trong vườn cà phê, điều nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa canh, đồng thời giúp bà con tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Hiện tại, các loại cây ăn trái trồng xen được bà con chăm sóc đúng kỹ thuật và phát triển tốt.
Theo bà Trần Thị Thủy, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là việc làm không dễ dàng và không phải chỉ làm trong một thời gian ngắn. Do đó cần tránh làm nóng vội, làm ồ ạt, ít chú ý đến cải tiến chất lượng và cơ cấu cây trồng trong vườn, khiến hiệu quả không cao, dẫn đến vườn tạp này lại trở thành vườn tạp khác. Vì vậy để làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp cần có sự phối hợp tốt giữa nông dân và địa phương, đồng thời xem xét đến các yếu tố kỹ thuật, thị trường đầu ra của sản phẩm để thực sự đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục lựa chọn, xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp để làm cơ sở nhân rộng và tiến tới hình thành được vùng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao của huyện Buôn Đôn.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc